Tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác thanh tra tài nguyên môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cuộc thanh tra đột xuất dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) là thanh tra đột xuất, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được bắt đầu từ ngày 28/9, thời gian thanh tra là 45 ngày làm việc nên đến nay chưa kết thúc thanh tra.
Về kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho hay: Ngay sau khi có thông tin báo chí nêu về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của 2 dự án của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang, các chuyên gia, nhà khoa học vào cuộc thanh tra công tác chấp hành pháp luật về môi trường tại Công ty này.
“Đến nay, dự án sản xuất giấy đang hoàn tất quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị. Dự án sản xuất bột giấy chưa triển khai.
Kết quả thanh tra, Bộ đã phát hiện một số bất cập trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh tác giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án này, đặc biệt Công ty Giấy Lee&Man đã xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa đảm bảo an toàn’, ông Thức thông tin.
Cũng theo ông Thức, Bộ TNMT đã yêu cầu Công ty lắp đặt bổ sung thiết bị xử lý khí thải cho nhà máy điện, xây dựng dựng công trình xử lý nước thải cho cảng và xây dựng các hồ sinh học với diện tích 1,6 ha để phòng ngừa, ứng phó sự cố có thể xảy ra.
Đồng thời, để hạn chế các rủi ro về môi trường của các dự án, Bộ đã yêu cầu các chủ dự án khẩn trương lập lại báo cáo ĐTM cho dự án trình Bộ thẩm định, phê duyệt.
Xây lắp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hạng mục công trình cải thiện, bổ sung của trạm xử lý nước thải hiện hữu.
Hạng mục bổ sung gồm: hệ thống hóa lý, khử màu và bể lọc bằng than hoạt tính trước khi xả vào hồ sinh học; bể sự cố và hồ sinh học, trong đó có bể chỉ thị sinh học (nuôi cá) trước khi xả bề mặt ra sông Hậu.
Cùng với đó, yêu cầu Lee&man lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi, giám sát và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang.
Đối với Nhà máy Giấy Lee & Man, yêu cầu tạm dừng triển khai dự án và chỉ được thực hiện sau khi đã phù hợp quy hoạch và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM.
Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải riêng, đáp ứng quy chuẩn môi trường Việt Nam và tiêu chuẩn các nước phát triển.
Đối với dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ (Hải Phòng), ông Thức cho biết, Bộ TNMT mới bắt đầu tiến hành thanh tra từ ngày 7/10 nhưng đã phát hiện một số tồn tại như: Thải chất thải rắn thạch cao chứa phốt pho cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực, chưa thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn...