Ngày 22-6, Báo TN&MT phối hợp cùng Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo tổ chức diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo.
Tại buổi làm việc, vấn đề an toàn nước biển miền Trung sau sự cố Formosa được đặc biệt quan tâm. Nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này đã được đặt ra.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường, cho biết các Viện, Trung tâm quan trắc đã quan trắc rất thường xuyên đối với môi trường biển miền Trung.
Hiện nay, cứ 2 tuần, cơ quan chức năng lại lấy mẫu nước quan trắc tại rất nhiều điểm tại vùng biển miền Trung. Các mẫu nước được lấy từ mặt, đáy và trầm tích.
Đầu tháng 5-2017, Trung tâm quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường đã thực hiện quan trắc trên 12 tuyến từ bờ biển tại bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) ra đến khu vực cách bờ 12km, thực hiện từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu.
Kết quả quan trắc và phân tích mẫu nước biển, trầm tích đáy biển đều đáp ứng các quy chuẩn về môi trường nước biển sử dụng cho vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, tắm biển du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, có thể khẳng định biển miền Trung đã an toàn.
Ông Thức cho biết thêm, việc quan trắc nước biển tại bốn tỉnh miền Trung vẫn sẽ được tiếp tục và giao cho Trung tâm quan trắc môi trường của các tỉnh thực hiện.
Cũng tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Môi trường đánh giá hiện Nghị đinh xử phạt về môi trường đã có tính răn đe rất mạnh.
Bộ luật hình sự dành hẳn một chương nói về tội phạm môi trường, có tình định lượng với nhiều hành vi gây hại môi trường.
Tới đây, Bộ TN&MT sẽ có đề án giám sát để phòng ngừa nguy cơ gây hại môi trường. Đề án sẽ được triển khai đến các tỉnh, giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra theo các tiêu chí để đánh giá trước nguy cơ xả thải của các doanh nghiệp.