Theo quyết định, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tiến hành thanh tra diện rộng về chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải tại 23 tỉnh, thành phố gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tây Ninh, Vĩnh Long.
Cũng theo quyết định về thành lập 3 đoàn thành tra, đoàn thanh tra khu vực phía Bắc sẽ giao cho lãnh đạo Thanh tra Bộ TN-MT làm trưởng đoàn; các đoàn thanh tra khu vực miền Trung, Tây nguyên và các tỉnh phía Nam sẽ do lãnh đạo Tổng cục Môi trường làm trưởng đoàn.
Trong quá trình thanh tra, lãnh đạo Bộ TN-MT yêu cầu làm rõ việc chấp hành pháp luật của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường.
Trong đó, đối với lĩnh vực môi trường, tập trung kiểm tra việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khi dự án đi vào vận hành chính thức; việc thực hiện cac nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; việc kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung kiểm tra việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; việc chấp hành các quy định nêu trong giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các quy định pháp luật khác có liên quan; các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường nước, biện pháp phòng ngừa cạn kiệt, suy thoái nguồn nước.
Ngay sau khi quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra, Bộ TN-MT đã có văn bản đề nghị UBND 23 tỉnh, thành phố cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án xả thải trên phạm vi cả nước.
Dự kiến, việc thanh tra sẽ được triển khai từ đầu tháng 8-2016.