Bamboo Airways được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 9/7/2018 với tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng, quy mô khai thác đến năm 2023 là 10 máy bay.
Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án, Bamboo muốn điều chỉnh quy mô đầu tư đến năm 2019 là 22 máy bay và đến 2023 là 30 máy bay với tổng mức đầu tư là 8.300 tỷ đồng, tăng 7.600 tỷ, tương ứng 11,8 lần.
Trả lời văn bản của UBND tỉnh Bình Định đề nghị góp ý hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án của Bamboo Airways, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh lấy ý kiến của Bộ GTVT về việc rà soát, thẩm định các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật vận tải hàng không dân dụng theo quy mô tăng thêm của Bamboo Airways để đảm bảo an ninh, an toàn phù hợp với quy định của Việt Nam và quốc tế.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu thuyết minh và điều chỉnh Dự án cần phân tích rõ hiệu quả kinh tế - xã hội dự kiến mang lại và các tác động khác tới địa phương cũng như cơ sở tính toán nguồn ngoại tệ, dự kiến thu hút từ vận chuyển khách quốc tế, làm cơ sở đánh giá hiệu quả của dự án.
Đáng chú ý, trong văn bản gửi đi của Bộ Tài chính đã đề cập đến bức tranh tài chính của Bamboo Airways.
Dẫn ra số liệu tại Bảng cân đối kế toán ngày 30/4/2019 của công ty Tre Việt, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 981,47 tỷ đồng (trong đó: vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là -318,5 tỷ đồng); tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỷ đồng (trong đó: vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 700,6 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ dài hạn); Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 55,4%; Lợi nhuận sau thuế là -329,4 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, do doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh từ đầu năm 2019, do đó tại thời điểm này chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm như trong thuyết minh điều chỉnh Dự án (huy động 7.000 tỷ đồng, chiếm 84,34% tổng mức đầu tư).
Ngoài ra, theo số liệu tại Bảng cân đối kế toán tại ngày 30/4/2019, Tre Việt có vốn góp là 1.300 tỷ; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tại thời điểm này là 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản).
"Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được Công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn.
Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai Dự án", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cũng tham chiếu thêm báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập năm 2018 của CTCP Tập đoàn FLC là công ty mẹ của Bamboo Airways.
Theo đó, tại thời điểm 31/12/2018, tổng nợ phải trả là 13.697 tỷ đồng bằng 59,3% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 146%. Với những con số này, Bộ Tài chính cho rằng hoạt động kinh doanh của FLC phụ thuộc nhiều vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ.
"Do vậy trong trường hợp Công ty FLC (chủ sở hữu của Công ty Tre Việt) cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Công ty Tre Việt phát sinh từ các hợp đồng thuê, mua máy bay (như Nghị quyết của Hội đồng quản trị Công ty FLC đã thực hiện trong năm 2018 để Công ty Tre Việt thuê máy bay) hoặc bất kỳ một nghiệp vụ kinh tế nào làm thay đổi sở hữu của Công ty Tre Việt thì Công ty FLC và Công ty Tre Việt cần thiết phải có báo cáo làm rõ, giải trình về năng lực, khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ có liên quan, cũng như khả năng huy động vốn đầu tư được thuyết minh trong hồ sơ điều chỉnh Dự án", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà đầu tư bổ sung phương án huy động, thu hồi vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) để triển khai Dự án theo phương án triển khai Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng chịu trách nhiệm giám sát, tổ chức kiểm ra quá trình triển khai dự án.