Bỏ sổ hộ khẩu, bỏ các 'hủ tục' hành dân

Luân Dũng |

Không có hộ khẩu, đăng ký thường trú phải sử dụng giá điện, nước kinh doanh đắt đỏ, việc xin học cho con cũng vô cùng gian nan, vất vả… Những “hủ tục” này liệu có được xóa bỏ khi bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân?

Luật cư trú sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp tới đây. Cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật vừa có buổi làm việc với thành phố Hà Nội, một trong những địa phương chịu tác động nhiều nhất từ dự án luật này. Hà Nội cũng là thành phố đang có điều kiện riêng về điều kiện đăng ký thường trú.

Ủng hộ phương án bỏ điều kiện riêng, thành phố Hà Nội cho rằng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được đăng ký thường trú. Việc tồn tại quy định riêng này cũng chỉ giảm được nhập khẩu, chứ không giảm được nhập cư, gây bất bình đẳng về quyền cư trú. Đặc biệt quy định này còn khiến người ngoại tỉnh đã khó khăn về kinh tế lại còn phải sử dụng các dịch vụ điện, nước theo giá kinh doanh đắt đỏ, con em phải học trường tư, học tập trái tuyến, hạn chế trong việc tuyển dụng vào cơ quan nhà nước…

Một mối lo lớn khác được các đại biểu đưa ra là việc bỏ điều kiện riêng về thường trú tác động như thế nào đến cơ sở hạ tầng như y tế, giáo dục? Tuy nhiên, Hà Nội khẳng định, điều này không ảnh hưởng nhiều, bởi thực tế, dù không đủ điều kiện, công dân vẫn sinh sống và vẫn sử dụng các dịch vụ thiết yếu này. Tất nhiên, về lâu dài, cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục vẫn phải được đầu tư thích đáng.

Mặc dù vậy, đề xuất bỏ điều kiện riêng về đăng ký thường trú, sổ hộ khẩu giấy thay bằng số định danh cá nhân cũng khiến không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn khi cho ý kiến tại kỳ họp vừa qua. Bất cập được đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh đề cập đến là việc đi xin học cho con.

Theo đại biểu, trong trường hợp nếu nhà trường không công nhận mã số định danh cá nhân, lại yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú. Lúc đó, phụ huynh lại bị hành bởi các thủ tục hành chính. Để người dân không phải chạy theo thủ tục hành chính, hủ tục hành dân, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động, thậm chí có thể đưa hẳn thành một điều cấm đi kèm.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, số khẩu đối với người dân là một giấy tờ thông dụng để xác lập các giao dịch, như như mua bán điện, nước, giao dịch với ngân hàng… Do vậy, ông đề nghị phải có giải pháp đồng bộ, nếu không sẽ tự gây khó cho chính nhà nước và người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh lại nhận định, phương thức quản lý dân cư mới theo dự luật không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, mà còn giúp thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính.

Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, những thông tin về hộ khẩu được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sẽ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Do đó, không gây cản trở việc thực hiện các quy định khác như một số đại biểu băn khoăn, lo lắng.

Theo đại diện ban soạn thảo dự án luật sửa đổi, có tới 167 văn bản liên quan đến sổ hộ khẩu, trong đó một số văn bản thực hiện theo quy định của sổ hộ khẩu giấy, mặc nhiên sẽ hết hiệu lực sau đó. Còn một số văn bản khác sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại