Những vụ việc sinh con rồi vứt bỏ không phải là hiếm trong những năm gần đây. Nhiều cha mẹ còn có “chút lương tâm” thì chọn nơi làng trẻ, hiên nhà có mái che hay nơi đông người qua lại để trẻ dễ được tìm thấy. Nhưng có những trường hợp, trẻ bị vứt lại trong đống rác, vùi ở bụi cây, hay bị vứt bỏ ven đường vào đêm tối, thời tiết khắc nghiệt. Kết quả là nhiều trẻ trong số đó bị tử vong, có em cứu được với chi chít vết thương do côn trùng, thú hoang cắn hay suy nhược cơ thể trầm trọng. Điều này khiến dư luận vô cùng bức xúc, mong muốn những người có hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh phải chịu hình phạt thích đáng:
Bức thư của một người mẹ
- Tôi nghĩ mỗi đứa trẻ là 1 món quà nhưng có những người nhẫn tâm vứt bỏ đứa con mới sinh. Họ xứng đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
-Vứt bỏ trẻ sơ sinh không khác gì giết người và phải bị pháp luật trừng phạt thích đáng. Theo tôi nghĩ, ít nhất phải bỏ tù những người như thế để họ phải trả giá về những gì họ làm.
Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm như tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Bên cạnh đó, tại mục 1, chương II, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ các quyền của trẻ em như quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng. Điều đó cho thấy pháp luật đã quy định rõ các quyền và các hành vi nghiêm cấm đối với trẻ em, bất cứ ai có các hành vi xâm phạm đến các quyền này đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
"Khoản 2, Điều 21, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em nêu rõ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho hay.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi đứa trẻ sinh ra, nếu người mẹ vứt bỏ con khiến bé tử vong thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, Điều 124, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khoản 2, Điều 124, Bộ luật Hình sự
"Người có hành vi vứt bỏ trẻ quá 7 ngày tuổi, dẫn đến tử vong, có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 hoặc các tội khác tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội." - Luật sư Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng còn trao đổi với phóng viên chương trình về việc có nên công khai danh tính của những người nhẫn tâm vứt bỏ trẻ sơ sinh như 1 cách răn đe với những người đã và đang có ý định này./.