Liên quan đến quy định dùng thiết bị nguỵ trang để ghi âm, ghi hình gây tranh cãi, Bộ Công an cho biết, đã tiếp thu các ý kiến trái chiều từ dư luận.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã tiếp thu ý kiến của dư luận, bỏ quy định gây tranh cãi về sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình.
Cụ thể, trước đó, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an xây dựng và đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện báo cáo thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt, có quy định tại Khoản 3 Điều 4: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Cùng với việc bỏ quy định này, một điều khoản khác trong dự thảo liên quan tới việc “nghiêm cấm cá nhân” sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình nguỵ trang để xâm phạm tới an ninh quốc gia, an toàn xã hội cũng được thống nhất huỷ bỏ vì đã có những quy định pháp luật khác điều chỉnh, quy định.
Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị thì sẽ chỉ điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này chứ không có quy định về việc ai sử dụng nữa.
Qua đó, ông Quân khẳng định Bộ Công an luôn cầu thị tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi ban hành một chính sách pháp luật.
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp sáng 26/4, khi báo giới đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ Tư pháp trong vấn đề này, ông ê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật, Dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, Dự thảo đã 3 lần được gửi tới Bộ Tư pháp để thẩm định.
Quan điểm của Bộ Tư pháp là Nghị định này quy định điều kiện đầu tư kinh doanh mặt hàng này, nên chỉ quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì thì được kinh doanh, còn không điều chỉnh phần sử dụng hay điều chỉnh việc ai được sử dụng thiết bị này.
"Hiến pháp quy định về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân được làm những gì luật không cấm, mà muốn cấm cũng phải quy định trong luật.
Trong nghị định này, thẩm quyền của Chính phủ cũng không thể quy định cấm anh A, anh B được sử dụng thiết bị C, thiết bị D. Đó là về mặt nguyên lý, không được quy định trong nghị định, muốn cấm phải quy định trong luật", ông Hải nhấn mạnh.