Bỏ quê lên phố làm môi giới nhà đất, nữ cò tiết lộ thu nhập khiến nhiều người “té ngửa” về nghề

Bình Bình |

Điều khiến Chi từ bỏ nghề vì chán ngán nhất đó là thu nhập, chưa kể phải làm không ít những công việc mà cô cho là "trái lương tâm". Lương cứng theo thoả thuận sẽ là hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, đa số các tháng nhận được chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng...

Môi giới bất động sản tiết lộ bảng lương

Môi trường làm việc thoải mái, tính cạnh tranh cao và đặc biệt là mức thu nhập hứa hẹn vô cùng hấp dẫn khiến môi giới nhà đất trở nên hấp dẫn với nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, hoa thơm và bánh ngọt không dành cho tất cả, nhiều người sau một thời gian thu nhập èo uột đã phải từ bỏ, tìm cho mình công việc khác.

Chia sẻ trong một hội nhóm trên mạng xã hội, một bạn trẻ tên Bích Chi tâm sự đã từng bỏ quê lên Sài Gòn xa xôi sau khi nhận được tuyển dụng của một công ty bất động sản.

Chi gọi đây là cái nghề mà người ta vẽ ra màu hồng cho mình khi hứa hẹn và đưa ra bao nhiêu vinh quang, hào nhoáng để mời gọi. Song thực tế chỉ sau hơn 2 năm kinh qua 2 công ty bất động sản với vị trí môi giới, Chi phải ngậm ngùi chuyển sang công việc văn phòng khác.

Điều khiến Chi từ bỏ nghề vì chán ngán nhất đó là thu nhập, chưa kể phải làm không ít những công việc mà cô cho là "trái lương tâm".

Lương cứng theo thoả thuận sẽ là hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, đa số các tháng nhận được chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng sau khi trừ một số khoản. Người ta vẫn nói môi giới thì không đợi lương mà chờ hoa hồng, chiết khấu nhưng Chi cho biết, có thời gian không "chốt" được một căn/lô.

Bỏ quê lên phố làm môi giới nhà đất, nữ cò tiết lộ thu nhập khiến nhiều người “té ngửa” về nghề - Ảnh 1.

Mức lương cứng sàn trả cho môi giới trung bình thường chỉ từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, chỉ rất ít đơn vị trả 7 - 10 triệu/tháng.

"Sau hai năm mình làm nghề đó, giờ tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Khi vào công ty như này đôi khi mình sẽ bị lôi cuốn vào vòng xoáy, rồi sau đó nhận ra vừa mất thời gian vừa không có tiền, nếu vào đó có bán được lô nào cũng phải chia chác", Chi .

Nghe tâm sự, một bạn nữ tên Hồng cũng cho biết khá giống hoàn cảnh của Chi. Sau một thời gian không trụ được với nghề môi giới vì thu nhập quá èo uột, không cáng đáng nổi tiền nhà trọ nên chuyển sang làm công nhân cần mẫn. "Có vất vả một chút nhưng đều đều mùng 10 điện thoại ting ting 10 triệu đồng. Đủ sống, thanh thản, không chiêu trò, không lừa đảo", Hồng chia sẻ.

Tuấn - một "cò đất" ở Hà Nội cho biết, cũng không phải tự dưng khá nhiều bạn trẻ mới ra trường đi tìm việc trên các nhóm tuyển dụng hay có câu "Đông y, bảo hiểm, bất động sản né ra giúp em". Nhiều người "ngại" mất thời gian lại không có thu nhập, cộng thêm nỗi lo lừa đảo.

"Thực chất lý do các bạn sợ cũng không sai. Đúng là có nhiều "con sâu làm rầu nồi canh. Ở ngành nghề nào thì cũng đều có những "cạm bẫy", lừa đảo, tréo ngoe chứ không chỉ riêng môi giới bất động sản", Tuấn cho rằng, điều quan trọng vẫn là lập trường và cái duyên với nghề.

Bên cạnh những môi giới "sống nhà trọ, ăn mỳ tôm dài dài", Tuấn cho biết cũng không ít người nhà lầu, xe hơi. Song theo Tuấn, con số này cũng ít thôi.

Vô sô môi giới gặp khó khăn

Với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và kéo dài dai dẳng, môi giới bất động sản là một trong những nghề chịu tác động rất lớn. Hàng loạt địa phương có thị trường địa ốc sôi động đều thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, giãn cách xã hội nên không thể gặp mặt, tiếp xúc, tổ chức sự kiện, không có nguồn khách hàng. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội kéo khó khăn trong việc truyền tải thông tin dự án.

Đồng thời các cơ quan Nhà nước, phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai… cũng ngưng hoạt động nên ảnh hưởng đến các thủ tục giao dịch. Mặc dù tổ chức bán hàng online nhưng thủ tục giao dịch cũng không thuận tiện do không được tiếp xúc trực tiếp.

Khi dịch chưa ập đến và chưa trở nên phức tạp thì môi giới vốn là ngành mà có sự phân hoá rất lớn, tỷ lệ người có mức thu nhập bấp bênh khá nhiều. Theo Hội môi giới bất động sản, có 300 nghìn môi giới đang hoạt động, trong có có 70% là chính quy, hầu hết đều đang gặp khó khăn trước tác động của đại dịch.

Từng viết "tâm thư" nói về cái khó của nghề môi giới mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh nghề này luôn phải chịu đựng áp lực, cạnh tranh khốc liệt, thậm chí cả những sự bất công đối với sàn giao dịch để có thể nhận được dự án, sản phẩm bất động sản.

"Ngoài được hưởng thù lao thấp, họ còn phải tự bỏ chi phí để quảng cáo, để làm marketing tiếp thị cho sản phẩm. Thậm chí họ còn phải lo vốn hùn hạp cùng chủ sàn giao dịch để ký cược cho chủ dự án. Thậm chí còn phải tự giảm giá (chia cho khách một phần hoa hồng được hưởng) để bán hàng cho khách (hay gọi tắt là cắt máu)", ông Đính chia sẻ.

Cũng theo vị này, trong môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, các môi giới bất động sản phải luôn vận động nếu như không muốn bị hất văng ra khỏi thị trường. May mắn được vào làm ở những sàn giao dịch uy tín, có nhiều nguồn sản phẩm để bán thì họ phải đối mặt cạnh tranh nội bộ. Vì những sàn giao dịch này thường rất đông nhân viên, cạnh tranh giành giật khách hàng diễn ra rất khốc liệt.

Một chuyên gia bất động sản từng cảnh báo, nếu bước chân vào nghề môi giới bất động sản, đừng nhìn vào vẻ bề ngoài bảnh bao của một số nhân viên môi giới bất động sản mà nghĩ rằng nghề này dễ kiếm tiền.

Mức lương cứng sàn trả cho môi giới trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/tháng, chỉ rất ít đơn vị trả 7 - 10 triệu/tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu trong tháng không bán được hàng, thì khả năng sống bằng tiền vay mượn là cao, chuyện ở trọ, ăn mỳ tôm dài dài là phổ biến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại