Chiều 3/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên - Đề nghị Người phát ngôn cho biết thông tin và phản ứng về vụ việc Chính phủ Đức yêu cầu một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ do cáo buộc liên quan tới đến một vụ việc được cho là bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói:
"Liên quan đến phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức".
Các phóng viên nêu câu hỏi về tin tức nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc", và về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức sau những thông tin này.
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an đã được báo chí đăng tải, theo đó, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện, đầu thú.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức".
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi về việc, ông Trịnh Xuân Thanh đã rời khỏi Đức như thế nào và có tự nguyện rời khỏi Đức không?
Trả lời câu hỏi này, bà Hằng nhắc lại: "Thông tin công khai đã được Bộ Công an đưa ra và báo chí đăng tải vào ngày 31/7. Theo đó, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú".
Trong cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc tàu cá ngư dân Bình Định (Việt Nam) bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm va rồi bỏ chạy, khiến một ngư dân bị thương và một tàu cá Khánh Hòa bị tàu cảnh sát biển Indonesia bắn vỡ ca - bin, hỏng máy chính. Phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin và phản ứng trước việc này?
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Về việc hai tàu cá Bình Định và Khánh Hòa thì hiện nay, các cơ quan chức năng đang làm rõ thông tin liên quan.Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại, Việt Nam phản đối các hành vi vô nhân đạo, sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực với các ngư dân Việt Nam".