Bỏ ngang đồ án tốt nghiệp kiến trúc, 9x nghèo Bình Định gây dựng thành công thương hiệu giày da trên đất Sài Gòn

Nhật Anh |

Đến nay, CEO Nguyễn Văn Hoang đã có 5 cửa hàng giày mang thiệu hiệu riêng và xưởng sản xuất tại Hóc Môn.

Nguyễn Văn Hoang xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở quê hương Bình Định. Khi đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành kiến trúc, Hoang quyết định bỏ ngang để theo đuổi đam mê kinh doanh của mình.

Đến nay Hoang là chủ thương hiệu Banuli với một xưởng sản xuất riêng và 5 cửa hàng chuyên bán giày da.

Từ thanh niên nghèo bán giày dạo...

Chàng trai sinh năm 1990 đã từng là một sinh viên nghèo, đến mức bản thân anh hài hước tự nhận là "nghèo không có mồng tơi để rớt". Từ vùng quê Bình Định ra Sài Gòn nhập học, Hoang trải qua cuộc sống thiếu thốn, phải tạm xa giảng đường 1 năm để đi làm công nhân bốc vác, kiếm từng đồng bạc nuôi sống bản thân và tiếp tục học tập.

Tuy nhiên, Hoang có biệt tài làm đồ handmade bằng da rất đẹp. Thời điểm đi học, Hoang từng tự tìm hiểu, làm ra những chiếc túi handmade cho chính mình. Bạn bè cũng nhiều người hỏi mua rồi khuyên Hoang đem bán để kiếm thêm thu nhập. Vì giá hơi cao, khoảng trên dưới 3 triệu đồng/túi nên công việc chỉ dừng ở mức túc tắc, không thể phát triển mạnh hơn.

Sẵn đam mê kinh doanh, đầu năm 2015, Hoang rủ bạn góp vốn mở một cửa hàng thời trang. Họ đi khắp khu vực quận 12 để tìm xưởng may gia công nhưng không được, mà vô tình lại thấy một xưởng đóng giày hộ gia đình. Vậy là Hoang quyết định thử đi bán giày.

Dù quỹ thời gian eo hẹp, vừa đi làm tại văn phòng thiết kế vừa hoàn tất các môn học, nhưng sau 17h mỗi ngày, Hoang lại rong ruổi mang bao tải giày đi tới các shop để chào hàng sỉ. Vấn đề là các cửa hàng đa phần có mối nhập sẵn, chỉ duy nhất một tiệm trên đường Lê Văn Sỹ đồng ý, và họ cũng chỉ nhập 5 đôi.

Không nản lòng, Hoang quyết tâm xoay sang hình thức bán hàng online trên Internet. Thời điểm ấy, kinh doanh trên Facebook đang bước vào giai đoạn bùng nổ. Hoang dần có những khách hàng quen là các chủ shop online.

"Họ kinh doanh thuận lợi nên đặt hàng thường xuyên, 5-7 ngày tôi có thu nhập 4-5 triệu đồng", chàng trai 9x nhớ lại.

Sang đến cuối năm 2015, đúng vào giai đoạn chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, thì Hoang bất ngờ quyết định bỏ ngang, tập trung toàn thời gian cho công việc kinh doanh. Gia đình, bạn bè khuyên Hoang cố gắng lấy xong bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp nhưng Hoang vẫn kiên định với lựa chọn của bản thân.

"Tôi nghĩ đó là thời điểm thích hợp nhất để tôi bắt đầu toàn tâm cho việc kinh doanh, vì nếu sau gần 1 năm làm đồ án tốt nghiệp, liệu tôi còn động lực không, và có còn nhiều cơ hội cho tôi không? Tôi nói với mẹ tôi: "Con sẽ không bao giờ thất nghiệp dù có bằng đại học hay không". Và tôi bắt đầu bán hàng online, cửa hàng đầu tiên của tôi là căn nhà cấp 4, trong hẻm với diện tích chỉ 16m2".

Đến ông chủ thương hiệu giày Việt

 Bỏ ngang đồ án tốt nghiệp kiến trúc, 9x nghèo Bình Định gây dựng thành công thương hiệu giày da trên đất Sài Gòn  - Ảnh 1.
 Bỏ ngang đồ án tốt nghiệp kiến trúc, 9x nghèo Bình Định gây dựng thành công thương hiệu giày da trên đất Sài Gòn  - Ảnh 2.
 Bỏ ngang đồ án tốt nghiệp kiến trúc, 9x nghèo Bình Định gây dựng thành công thương hiệu giày da trên đất Sài Gòn  - Ảnh 3.

Việc kinh doanh online có hiệu quả nên sau này, cả em trai và anh trai cũng chuyển từ mảng kỹ sư xây dựng sang kinh doanh giày online giống như Hoang.

Tháng 5/2017, họ cùng nhau sáp nhập và thành lập thương hiệu giày Bernuli, về sau đổi tên thành Banuli. Cửa hàng offline đầu tiên được đặt ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp.

Tuy nhiên, Hoang nhận thấy nếu chỉ tiếp tục nhập sản phẩm về rồi bán lại thì chất lượng không đồng nhất, khó lòng xây dựng một thương hiệu xứng tầm. Vậy nên cũng trong năm 2017, họ đã tự đầu tư, mở xưởng sản xuất giày tại Hóc Môn. Giai đoạn này công ty vừa xây dựng quy trình sản xuất, vừa xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng, kèm theo đó là phát triển đội ngũ bán hàng online.

Bản thân Hoang sau này mới nhận ra thiết lập xưởng sản xuất khi không có ai mạnh về chuyên ngành giày sẽ phải trả giá rất đắt. Những sản phẩm ban đầu tuy có thiết kế sang trọng, mẫu mã được nghiên cứu và đầu tư, nhưng quá trình sản xuất gặp nhiều lỗi, phải sửa chữa nhiều lần mới phù hợp với nhu cầu khách hàng. Thậm chí, có nguyên một lô hàng, vì đối tác giao nguyên liệu làm đế kém chất lượng, công ty phải thu hồi và thay đế toàn bộ dù sản phẩm đã sản xuất xong và lên kệ.

Ngoài ra, về vấn đề nội bộ, do 3 anh em tính cách trái ngược nhau, mỗi người mỗi cá tính, nên thường xuyên bất đồng quan điểm, không có cùng tiếng nói chung. Kết quả là đầu năm 2020, Hoang đã mua lại toàn bộ cổ phần của hai cổ đông còn lại và họ vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp. Hai anh em của Hoang tuy không còn trong công ty nhưng vẫn làm chủ hai đại lý phân phối và kinh doanh tại TPHCM.

Đến nay, thương hiệu Banuli của Hoang đã có tất cả 5 cửa hàng, trong đó 3 cửa hàng ở TPHCM, 1 ở Đà Nẵng và 1 ở Quảng Bình.

Giai đoạn dịch vừa qua, CEO 9x cho biết thương hiệu giày của anh cũng bị ảnh hưởng nhưng anh đã tập trung vào giải pháp tinh gọn bộ máy nhân công, hỗ trợ công nợ cho các đại lý để cùng nhau cố gắng. Hiện một số cá nhân cũng đề cập với anh vấn đề đầu tư, góp vốn nhưng vì vừa mới giải quyết xong câu chuyện nội bộ trong công ty, Hoang vẫn còn để ngỏ phương án này.

Từ nay đến cuối năm, Hoang đặt mục tiêu sẽ có thêm 1-2 cửa hàng mới nữa. Xa hơn nữa, anh mong muốn sẽ đưa thương hiệu giày Việt tiếp cận với nhiều khách hàng, được bạn bè thế giới công nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại