‘Bộ não số’ của Tòa án điện tử giúp các thẩm phán, người dân hưởng lợi ra sao?

Trần Long |

Sau hơn 2 năm xây dựng, Tòa án điện tử đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong các hoạt động của ngành tòa án và tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội với “kim chỉ nam” người dân là trung tâm của sự phục vụ.

Quản trị tòa án trong kỷ nguyên số từ góc nhìn của “người trong cuộc”

Bắt đầu từ năm 2022, hoạt động tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương có những thay đổi rõ rệt. Thay vì sử dụng giấy tờ, ghi chép như trước đây, mọi dữ liệu đều được nhập trên phần mềm cài trên máy tính. Khi dữ liệu đầu vào đã được chuẩn hóa, lợi ích mà tiến trình chuyển đổi số mang lại khiến công việc hàng ngày có loạt thay đổi lớn.

“Hiện nay, chúng tôi nhập dữ liệu trên phần mềm giám sát hoạt động do Tòa án nhân dân Tối cao triển khai. Điều này khiến các thao tác thủ công được thay thế. Phần mềm được xây dựng dựa trên sự phân cấp từng khâu, từng quy trình tố tụng, quản lý án, quản lý đơn khởi kiện, quản lý văn bản tố tụng, tích hợp in một số văn bản pháp luật…”, Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, chia sẻ.

“Phần mềm” mà Thẩm phán Mai nhắc tới là Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân do Tập đoàn Viettel phát triển theo những yêu cầu rõ ràng, cụ thể và đặc thù từ Toà án Nhân dân Tối cao. Đóng vai trò là bộ não số của Tòa án điện tử, nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành Tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 Tòa án nhân dân trên toàn quốc.

Theo bà Mai, việc khai thác và sử dụng hiệu quả phần mềm giám sát tòa án đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong hoạt động truyền thống của Tòa án Nhân dân các cấp tỉnh Bình Dương. Ví dụ, trước đây để quản lý theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết đơn…, các đơn vị phải nhập thủ công vào sổ theo dõi do Tòa án Nhân dân Cấp cao cấp phát. Việc tìm kiếm dữ liệu, hồ sơ, cấp sao bản án, quyết định… vẫn phải được thực hiện thủ công và đối chiếu với sổ ghi chép nên mất rất nhiều thời gian.

Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, chia sẻ về những thay đổi bước ngoặt nhờ chuyển đổi số.

“Trải qua quá trình sử dụng, chúng tôi nhận thấy đây là công cụ quan trọng để quản lý hoạt động tố tụng trong thời đại số. Việc sử dụng công nghệ làm thay đổi những phương thức truyền thống đã nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng cũng như nâng cao chất lượng quản lý, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm”, Phó Chánh án Nguyễn Thị Ngọc Mai chia sẻ tại Hội nghị Giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành, diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao.

Trong hơn 2 năm thực hiện chuyển đổi số sâu rộng, hoạt động quản trị Tòa án trên nền tảng số tiếp tục được đội ngũ kỹ thuật Tập đoàn Viettel - đối tác thực hiện chuyển đổi số ngành Toà án, hoàn thiện dựa theo yêu cầu, mong muốn từ các lãnh đạo, các chuyên gia trong Tòa án Nhân dân Tối cao. Chính những cập nhật đó giúp “bộ não số” ngày càng phát huy được vai trò là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử.

Ở thời điểm hiện tại, hệ thống này tổng hợp thông tin, dữ liệu trên các ứng dụng số hiện có của Tòa án Tối cao để tính toán để phân tích và đưa ra báo cáo tổng thể dưới dạng biểu đồ động. Kết quả mà hệ thống phân tích sẽ giúp lãnh đạo đơn vị theo dõi được hoạt động tổng thể cũng như của từng Thẩm phán, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Tòa án, từ đó đưa ra quyết sách chỉ đạo, điều hành phù hợp, kịp thời.

Các số liệu được chuyển tới “bộ não số” từ 9 ứng dụng khác, được các đối tác xây dựng dựa trên những yêu cầu đặc thù nhất của ngành tư pháp. Ngoài ra, hệ thống còn 3 ứng dụng bao gồm Tổ chức cuộc họp, hội nghị, đào tạo tập huấn ; Giám sát thông tin về Tòa án trên không gian mạng Quản lý tài sản trong hệ thống Tòa án .

Một phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Để lợi ích xã hội, người dân làm trung tâm của sự chuyển đổi

Tòa án Điện tử không chỉ mang lại lợi ích cho chính những “người trong cuộc”. Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết một trong những mục tiêu quan trọng của Tòa án điện tử là hướng tới phục vụ người dân, cung ứng cho nhân dân các dịch vụ tư pháp công hiện đại, thuận lợi và tiết kiệm. Các dịch vụ này được xây dựng theo phương châm lấy người dân làm trung tâm.

Ngay ở thời điểm hiện tại, người dân đã bắt đầu hưởng lợi từ tiến trình chuyển đổi số của ngành Tòa án. Đầu tiên, người dân có thể gửi, nhận đơn tư pháp, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án thông qua phương tiện điện tử.

Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, hệ thống sẽ gửi thông báo kèm theo mã số tiếp nhận để người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi quá trình thụ lý, giải quyết của Tòa án. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án có thể thực hiện thông qua hệ thống này hoặc thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính… nên rất tiện lợi.

Thứ hai, người dân có thể đăng ký trực tuyến cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, người dân không cần phải đến trụ sở Tòa án mà có thể đăng ký đề nghị cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không cần phải đến trực tiếp Tòa án.

Thứ ba, người tham gia tố tụng có thể nộp án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến Kho bạc nhà nước, ngân hàng. Ngay sau khi người dân hoàn thành việc nộp án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến thì ngay tức thời hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Tòa án hiển thị thông báo để cán bộ Tòa án thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tiếp theo đối với vụ, việc. Việc nộp án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến giúp cho người dân tiết kiệm thời gian đi lại và góp phần rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết vụ việc.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh chuyển đổi số vẫn còn nhiều việc phải làm, còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục nhưng nếu không mạnh dạn bươc đi, sẽ không bao giờ tới đích.

Theo số liệu thống kê mới được công bố, chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử mang lại nhiều giá trị lớn lao cho xã hội, cho người dân. Việc triển khai Tòa án Điện tử góp phần tiết kiệm 10 đến 15% chi phí hoạt động của Tòa án và chi phí xã hội do hiệu quả hoạt động được nâng cao. Năng suất vận hành được nâng lên trong khi tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động tố tụng của người dân và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Chia sẻ về tiến trình chuyển đổi số trong ngành Tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là những thành công ban đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tồn tại, hạn chế trong giai đoạn đầu là không thể tránh khỏi. Khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Công nghệ thông tin đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao. Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn bước đi, sẽ không bao giờ tới đích”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại