Chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Việt Nam là chủ đề thu hút sự quan tâm của người Việt trong những ngày qua.
Obama đi đến đâu, người dân đổ xuống đường đến đó. Tất cả đều dành cho ông sự đón tiếp nồng nhiệt nhất.
Quán bún chả ông Obama đã ghé ăn vào tối ngày 23.5 cũng được thơm lây. Để rồi khi ông đã đi khỏi đó, rất nhiều người vẫn ùn ùn kéo tới.
Không phải họ muốn thử vị bún chả ở đó mà chỉ đơn giản muốn xem chỗ ông Obama đã ngồi ăn trông ra làm sao.
Nói vậy để thấy tình cảm của những người trên mảnh đất chữ S dành cho Tổng thống Mỹ thật khó để đong đếm. Điều này khiến nam ca sĩ Kyo York, một người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cảm thấy hạnh phúc.
Anh chia sẻ: "Bố mẹ Kyo gọi và nói rằng, các phương tiện truyền thông ở Mỹ đưa tin rất nhiều về tình cảm của người Việt Nam dành cho Tổng thống Barack Obama.
Người dân Việt cuồng nhiệt Obama giống như là ngôi sao Hollywood vậy.
Kyo chỉ mong thông qua chuyến đi này, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển, sâu sắc và bền vững.
Mọi người đều biết Việt Nam là nước có dân số trẻ nên Kyo hy vọng ông Obama sẽ mang đến cho các bạn thanh niên một cái nhìn mới về một người lãnh đạo tài năng".
Được hỏi có bất ngờ không khi một người đồng hương nhận được đón tiếp nồng hậu đến thế trên mảnh đất hình chữ S, Kyo York lắc đầu.
Anh cho hay, khi anh đứng trên sân khấu, hát những ca khúc Việt bằng tiếng Việt là lúc anh nhận ra người Việt Nam rất nhiệt tình và hiếu khách.
Chính vì thế, chuyện Tổng thống Barack Obama giành được nhiều sự quan tâm của người dân cũng là lẽ thường.
Bên cạnh tình cảm yêu mến và kính trọng, có một người phụ nữ đã gửi đến Tổng thống Mỹ những lời thấm đẫm nước mắt.
Chị là Phạm Thị Nhí, sinh năm 1966 ở Quảng Nam. Chị Nhí là một trong 200.000 nạn nhân chất độc màu da cam thuộc thế hệ thứ hai.
Trong bức thư dài, chị Nhí hy vọng Tổng thống Obama sẽ mang lại công lý cho những nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin.
Và vì chuyến hành trình của ông không có lịch trình đến miền Trung nên xin ông hãy một lần ghé quá làng Hòa bình của bệnh viện Từ Dũ.
Bên cạnh đó, chị Nhí cũng tâm sự về cuộc đời mình, một người phụ nữ ba không: Không nhà, không có một mối tình và không con.
Chính vì vậy, sau khi qua đời, chị muốn hiến xác cho Y học để các nhà Khoa học Mỹ và Thế giới có thể dùng cơ thể của chị nói về sự tàn khốc do chiến tranh cho người Mỹ biết và hiểu.
Đọc lá thư này, Kyo York chia sẻ: "Chiến tranh là sai lầm lớn nhất của con người. Không chỉ có chiến tranh tại Việt Nam mà ở mọi nơi trên thế giới đều gây ra những điều không mong muốn.
Nhưng, đã 50 năm rồi và chúng ta đều nhận ra sai lầm đó. Kyo chỉ mong rằng mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ được cải thiện nhiều hơn".