Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh vừa được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chọn làm một trong bốn cầu thủ nổi bật tại bảng D, vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Cầu thủ mang áo số 22 của tuyển Việt Nam được dự đoán sẽ tỏa sáng. U23 Việt Nam - đương kim á quân - cũng được coi là đội mạnh nhất bảng này.
Một bài viết trên trang chủ AFC có đoạn: "Việt Nam được coi là ứng viên số một, nhưng đội hình tài năng của Triều Tiên, UAE và Jordan đủ sức ganh đua với thầy trò Park Hang-seo. Cả bốn đội đều có những cầu thủ nổi bật.
Giới mộ điệu thường nhắc đến Nguyễn Quang Hải, nhưng anh chỉ là một trong nhóm cầu thủ thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Nguyễn Tiến Linh cũng là nhân tố chính ở đội tuyển lẫn U23. Tiền đạo 22 tuổi góp mặt ở Asian Cup và ghi nhiều bàn thắng giúp CLB Bình Dương tiến xa ở AFC Cup. Khoảnh khắc thăng hoa của Tiến Linh là cú sút xa ghi bàn duy nhất trận thắng UAE 1-0 ở vòng loại World Cup 2022".
Trước VCK U23 châu Á 2020, chúng tôi tìm về nhà cầu thủ sinh năm 1997 ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với hy vọng gặp được anh. Nhưng giống như nhiều lần thử vận may khác, chúng tôi chỉ có thể gặp được bố mẹ Linh: ông Nguyễn Tiến Quyền (44 tuổi) và bà Hà Thị Mai (42 tuổi).
Một vài mẩu chuyện trong sự nghiệp cầu thủ, sẽ giúp người hâm mộ hiểu hơn về nửa kia của Nguyễn Tiến Linh!
- Từ 2 tuổi, Tiến Linh đã sống xa bố mẹ. Quãng thời gian khó khăn ấy gia đình vượt qua thế nào?
- Mẹ Tiến Linh: 6 năm! Tôi nhớ 6 năm đó, 3 người trong gia đình tôi chỉ có thể nghe giọng nhau qua điện thoại, nhìn mấy tấm hình bố Tiến Linh gửi sang Hàn Quốc mà tôi mường tượng con lớn lên.
Năm 1996, vợ chồng tôi lấy nhau có mỗi căn nhà cấp 4, mấy mẩu ruộng, làm lụng cả năm mới đủ ăn. Sang 1997, đẻ Linh thì kinh tế càng eo hẹp hơn nên bố em mới tính chuyện đi xuất khẩu lao động đổi đời. Nhưng ngày ấy bố Linh ốm yếu, người ta đâu có chọn. Một tối, ông ngoại Linh sang nhà bảo tôi: "Đến nước này, chắc con đi thôi", tôi đồng ý ngay.
Linh lên 2 tuổi thì vợ chồng vay 30 triệu làm tiền cọc để tôi đi. Hơn năm sau thì bố Linh cũng vào Nam phụ ông chú bán căng-tin.
Ở Hàn Quốc, ngửa mặt ra thì đi làm, đặt lưng xuống thì nhớ con. Mà hồi đó, điện thoại đâu như bây giờ, gọi video, xem hình, nhắn tin được. Lần nào nhớ con, nhớ chồng, tôi lại chạy bộ ra bưu điện gọi về cho nhà hàng xóm, hẹn 1 tiếng sau để họ đi gọi con, gọi chồng. Vậy mà, lần nào nghe giọng mẹ, Linh cũng gào lên: "Mẹ ơi! Mẹ ơi". Tiếng con khóc làm tôi mất ăn mất ngủ cả tháng.
Thì cũng đúng mà! Đàn ông xa con còn được, chứ đàn bà khó lắm. Đến một đêm thì bố Linh bảo: "Thôi về đi em, tiền thì kiếm bao nhiêu cho đủ. Về với bố con anh…", tôi oà khóc qua điện thoại.
Bữa tôi về nước, Linh lần đầu gặp mẹ, vậy mà vừa thấy, nó nhận ra ngay, chạy ào tới ôm khóc nấc. Nguyên một mùa Tết năm đó, Hải Dương rét run, nhưng cả nhà tôi thì vui như mở hội.
- Sau khi bà từ Hàn Quốc trở về, cuộc sống của Linh thay đổi thế nào?
- Mẹ Tiến Linh: Tôi bù đắp cho con liền! Ăn Tết 10 ngày thì vợ chồng tôi đưa Linh vào Nam. Hồi đó, nó học giỏi lắm. Người ta mỗi năm 1-2 bằng khen chứ Linh thì những 5-6 cái. Nào học sinh xuất sắc, nào giải Nhất môn tiếng Anh, Toán, Ngữ Văn, nào Bé Ngoan Bác Hồ… đủ cả!
Những tấm huy chương được bố mẹ Tiến Linh tự hào khoe trong nhà. Ảnh: Huy Hậu.
Học buổi sáng, chiều là Linh nó ton ton xách giày đi đá bóng. Mà lúc đó, Linh nó đen thui, ốm tong teo như cây sào nên tôi xót lắm. Bữa nào xách giày ra khỏi nhà, tôi quát: "Ở nhà", là cu cậu lại chạy vô phòng, trùm mền khóc. Bố Linh phải đứng ra giản hoà: "Khóc nhè kìa! Khóc nhè kìa! Thôi cho đi đi", nó mới cười, ton ton đạp xe đi.
- Bà còn nhớ cơ duyên Linh đến với đội tuyển Quốc gia?
- Mẹ Tiến Linh: Đến năm lớp 7, CLB TDC Bình Dương về trường tuyển chọn và Linh trúng. Nhưng khi con kí hợp đồng với CLB thì tôi cản. Mình là mẹ mà, lo cho con chứ! Thứ nhất, nó đang đường đường học giỏi, nếu theo nghiệp bóng thì học hành xem như lỡ dở. Thứ 2, nó ốm thế kia, ra sân nhỡ sứt đầu, mẻ trán sao chịu nổi. Thế mà Linh nó nài nỉ suốt.
Linh tham gia CLB, ăn ở, ngủ nghỉ, tập luyện trên CLB. Chiều thứ 7 nó đón xe buýt về nhà, sáng sớm thứ 2 lại đón buýt đi. Bữa nào bố mẹ có tiền thì dúi cho con ít, Linh nó chẳng bao giờ đòi hỏi.
Mấy ngày đầu ở CLB, Linh nó đánh đầu quả bóng còn không nổi nên thầy giáo lắc đầu mãi. Giải U13, U15, bạn bè cùng trang lứa nó đều vào sân cả. Riêng Linh thì ngồi khán đài, có khi không được điền tên trong danh sách dự bị, có khi vào thay ở phút 89-90 rồi chạy ra… Linh nó nản, gọi điện về, khóc quá chừng. Tôi buồn lắm nhưng phải cầm nước mắt, động viên con.
Nhiều tuần sau, Linh không về nhà. Tôi sốt ruột, gọi điện lên thì nó bảo: "Con đi tập bóng, tập gym cho cao to hơn…". Mới đầu tôi không tin đâu, còn trách: "Thật không? Hay kiếm cớ đi chơi?". Đến hôm thầy Chỉnh (huấn luyện viên CLB TDC Bình Dương), chụp tấm hình một mình con còm cõi chơi bóng, trời đã tối đen... tôi chỉ biết khóc thương.
Linh ấy, nó không phải đứa có năng khiếu, nhưng khổ luyện mà thành. Ai chê nó đá bóng dở, nó tập cho đá hay hơn. Ai chê nó không biết đánh đầu, nó đánh tới khi nào đầu sưng mới thôi…
- Khổ luyện nhiều năm bằng máu và nước mắt như thế, đến lúc nào gia đình nhận ra tài năng của con và may mắn mỉm cười với Tiến Linh?
- Bố Tiến Linh: Chắc năm 2014. Lúc đó, TDC Bình Dương rớt hạng nên quyết định giải tán CLB. May thầy Chỉnh, ổng thương tụi nhỏ nên bữa trước ban lãnh đạo, ổng mới đứng ra xin cho ổng 3 năm, nếu 3 năm không làm được gì sẽ bỏ chức huấn luyện viên. Tụi nhỏ thương thầy nên tập cả ngày lẫn đêm. 2 năm sau thì 6 cầu thủ của TDC Bình Dương vào đội tuyển U19 và thi đấu thắng Lào với tỉ số 6-0. Nhưng tin vui chưa bao lâu, Linh lại xảy ra chuyện!
- Chuyện gì vậy ông?
- Bố Tiến Linh: Cuối năm 2017, lúc Linh được kêu ra Hà Nội tập huấn cho giải U23 Châu Á, lần đó là giải đấu lớn đầu tiên trong đời nên nó mừng lắm. Ở Hà Nội, đêm nào Linh cũng gọi điện về nhà, khoe đủ thứ. Đến hôm thứ 3, con gọi về, nghe giọng buồn buồn, tôi có linh cảm chẳng lành rồi. Cuối cùng đúng thật! Linh nó bị đứt dây chằng chân, nặng lắm, không đi đứng nổi và HLV Park Hang-seo đành cho về.
Ông Quyền nhớ lại tai nạn của con trước thềm U23 Châu Á 2018.
Tiến Linh đã có 10 năm khổ luyện để có thành công như ngày hôm nay. Ảnh: Huy Hậu/NVCC.
Mấy ngày U23 Việt Nam dự giải Châu Á, báo chí, truyền hình trực tiếp cả ngày cả đêm. Mỗi lần ngồi bóp thuốc cho Linh, nhìn con dán mắt vào tivi xem đồng đội thi đấu mà tôi đứng tim. Đời cầu thủ mà, chân nó chân chạy, bắt nó nằm im thì sao chịu nổi.
Được vài bữa sau, Linh đã xin CLB Becamex Bình Dương tham gia giải ở tỉnh. Đợt đó, mấy thầy CLB bắt nó sang Singapore mổ gấp. Nghe bỏ bóng 4 tháng, nó nhất quyết không chịu, tôi và mẹ nó khuyên bảo mãi.
Tôi còn nhớ, bữa đó, khoảng 1 giờ chiều, U23 Việt Nam mình về nước, cổ động viên đông nghịt. Lúc đoàn cầu thủ đáp xuống Nội Bài thì Linh nhắn tin về: "Con đến Singapore rồi, sắp xếp chuẩn bị mổ bố". Hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc. Giây phút đó, khóc vì vui cho Việt Nam, khóc vì cái ngày cả nước vui thì con mình phải lên bàn mổ…
- Sau đợt đó, Linh phải nghỉ điều trị bao lâu?
- Bố Tiến Linh: Bác sĩ dặn 4 tháng nhưng hơn 3 tháng rưỡi là nó đã ghi danh CLB Becamex Bình Dương thi đấu với Hải Phòng rồi. (Cười).
Lần đó, phút 90+3, còn mấy giây cuối mà Linh ghi bàn, nâng tỉ số thắng 2-1. Vợ chồng tôi đang bán buôn mà bỏ dở, nhảy cẫng lên vui mừng.
Biết sao không? Bởi lần đó là lần cảm động nhất. Mấy bữa trước, về quê ăn Tết, chân Linh còn chống nạn. Hôm thi đấu, tôi phải dặn: "Chạy cho quen chân, đừng gắng sức". Vậy mà Linh ghi bàn thật.
Chị Mai say sưa kể về đam mê của con
Tiến Linh có tuổi thơ xa gia đình, vắng bóng bố mẹ. Ảnh: Huy Hậu/NVCC.
- Ông có bất ngờ khi chứng kiến giây phút đăng quang của Linh và đồng đội ở Sea Game 30?
- Bố Tiến Linh: Nói ra thì sợ cười chứ cả tháng Linh tham gia Sea Game 30 là vợ chồng tôi chẳng ăn ngủ miếng nào. Thắng, vui quá mất ngủ. Con chấn thương, buồn quá cũng mất ngủ.
Bữa vòng loại gặp Thái Lan, khách tới quán cà phê của gia đình tôi chật kín. Mới phút 11, Thái Lan đã dẫn trước 2 quả, tôi còn không dám nhìn thẳng tivi, đứng ngoài dắt xe cho khách. Mà bạn biết đấy! Cổ động viên mà! Thắng thì họ tung hô, thua họ bình luận cũng có lời khó nghe. Nhiều người không biết vợ chồng tôi là bố mẹ Tiến Linh, họ chê bai con mình ngay trước mặt.
Bỗng nhiên, đến phút 15, nghe con mình đánh đầu ghi bàn mà tôi ứa nước mắt. Tới phút 71, trọng tài tiếp tục đọc tên con đá penalty, tôi không tin nổi nữa. Tôi đứng ngoài bãi xe, nhắm mắt, chắp tay cầu trời khấn phật cho con. Cuối cùng Linh làm quả vào thật.
Con đá vào thì mừng, chứ lúc đội bạn thúc gối sau lưng, Linh nằm sõng soài dưới sân, nghiến răng chịu, vợ chồng tôi cũng chảy nước mắt. Tối đó, con gọi về, nó còn cười: "Không sao! Không sao". Tôi mới bảo: "Thế trận sau, đá nhanh nhanh không bố đứng tim chết trước mày", nó liền ôm bụng cười.
Nước người ta vô địch nhiều rồi, như Thái Lan 5-6 năm vô địch nên họ đâu có quý. Nhưng Việt Nam mình thì 65 năm lận, phải vui cho đã. Khoảnh khắc trao huy chương vàng, nhìn con để tay lên ngực trái, vừa hát Quốc ca vừa khóc mà tôi gào lên: "Khóc đi con! Khóc nữa đi con! Khóc lớn lên con!". Nguyên cái quán ai nhìn cũng cười, bảo con ổng khóc mà ổng vui quá trời.
Nhưng vui thiệt mà…
Ông Quyền chia sẻ niềm tự hào về con trai.
- Sau chiến thắng lịch sử ấy, cuộc sống của gia đình có xáo trộn không?
- Mẹ Tiến Linh: Tôi đi chợ, nhiều người bán rau, bán cá mới hỏi: "Thế em là mẹ Tiến Linh à?". Tôi lại cười. Mọi người biết đến quán nhiều hơn nên giờ trận đá bóng nào cũng tới đây đông nghịt.
Qua mấy giải thưởng được ít tiền, Linh gửi hết cho bố mẹ để sửa sang nhà cửa. Cái quán giờ được thế này cũng nhờ phần nhiều Linh và mọi người giúp cả.
Hình ảnh Tiến Linh và những kỉ vật qua các giải đấu được treo kín trong nhà.
- Còn cuộc sống của Linh thì sao, bà có thể chia sẻ thêm?
- Mẹ Tiến Linh: Linh nó vẫn vậy, giản dị, hiền lành, với thương bố mẹ lắm! 6 năm tôi đi Hàn Quốc, anh vào Sài Gòn, có năm nào ăn Tết với con đâu. Đến khi tôi về thì con lại vào câu lạc bộ, bữa cơm với Linh còn khó nữa.
Mỗi lần thi đấu xong, sợ mình lo là nó gọi điện về liền. Câu đầu tiên lúc nào cũng hỏi: "Đêm nay bán được không bố mẹ?". Linh vậy đó, sống tình cảm lắm! Đi thi đấu, trong nước, ra nước ngoài, thắng hay thua gì cũng chỉ hỏi đúng bao nhiêu công chuyện của bố mẹ.
Bạn tin không? 20/10 vừa qua, may mà Linh xin nghỉ phép về nhà nên cả gia đình mới có cái sinh nhật cho con đấy! Bữa về, ai vào uống cà phê, thấy nó, xin chụp hình, xin chữ kí, nó đều vui vẻ tặng mọi người.
Hồi con theo nghề này, tôi đã dặn rồi: "Sau này có làm sao, có toả sáng thế nào thì mình vẫn cứ là mình, giản dị cho người ta thương". Bữa Sea Game xong, vừa về nước, bận bịu đủ thứ, thế mà nghe bố mẹ về quê Hải Dương đãi cỗ bà con, nó cũng tức tốc đón xe về luôn. Ngồi chào cô chú, hàng xóm có 2-3 tiếng lại lên đường sang Hàn Quốc.
Đội tuyển Việt Nam giành vô địch tại Sea Game 30.
- Ngoài bóng đá thì Linh còn sở thích gì?
- Bố Tiến Linh: Nó yêu bóng đá nhất rồi. Còn chắc yêu gia đình thứ nhì. (Cười).
Bạn cứ lên facebook của Linh xem, nó còn ghi: "Family is number one", là hiểu nó yêu gia đình thế nào rồi đấy.
- Cậu em trai không biết có giống Linh không?
- Mẹ Tiến Linh: Y đúc luôn. Giờ cũng vậy, học thì học chứ rảnh lại xách giày đi chơi bóng liền. Nó thương và tự hào về anh nó lắm.
Gia đình mong Việt Nam tiếp tục vào chơi trận chung kết U23 Châu Á 2020. Ảnh: Huy Hậu.
- Cận Tết Nguyên đán rồi, năm nay gia đình có kế hoạch đoàn tụ thế nào?
- Bố Tiến Linh: Mọi năm, tháng Chạp là chúng tôi sắp xếp đưa con về quê ăn Tết với ông bà. Nhưng năm nay thì tôi mong ngược lại, Linh đừng về ăn Tết với vợ chồng tôi.
Chắc mọi người nghe kì lắm? Thật ra không có gì hết! Vì tôi xem lịch rồi, năm nay trận chung kết VCK U23 châu Á 2020 rơi đúng vào mùng 2 Tết. Nếu Linh mà gọi bảo không về quê ăn Tết với bố mẹ được, nghĩa là nó vào chung kết rồi.
Thôi thì năm nay anh chị không mong con về nữa. Cứ ở bên Thái Lan ăn Tết rồi cùng đội tuyển Việt Nam vào chung kết… Đấy là Tết của bố mẹ rồi!
- Cảm ơn ông bà!
* * *
Nguyễn Tiến Linh (1997, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) thuộc biên chế CLB Becamex Bình Dương.
Từ năm 12 tuổi, sau khi tham gia CLB TDC Bình Dương, Tiến Linh đã khổ luyện để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Năm 2015, Tiến Linh giành danh hiệu Vua phá lưới tại VCK U19 Quốc gia. Cũng trong năm đó, Tiến Linh giành ngôi Á quân U19 Đông Nam Á và hạng Ba U19 châu Á 2016.
Năm 2016, Tiến Linh là 1 trong 6 cầu thủ được tuyển chọn vào đội tuyển Đông Nam Á, thắng 6-0 trước Lào.
Cuối năm 2017, Tiến Linh tiếp tục là cái tên "vàng" cùng đội tuyển Quốc Gia tranh Cup U23 Châu Á 2018. Song vì chấn thương nặng cậu buộc phải trở về gia đình trước trận đấu.
Không bỏ cuộc, sau ca phẫu thuật nặng, Tiến Linh cùng Becamex Bình Dương đã ghi dấu ấn tại nhiều giải đấu của tỉnh.
Năm 2018, Tiến Linh cùng Việt Nam vô địch AFF Cup.
Đến 2019, Tiến Linh là cầu thủ duy nhất ghi bàn thắng dẫn trước UAE tại vòng loại World Cup 2022.
Sea Game 30 vừa qua, Linh đã ghi 2 bàn thắng vào lưới Thái Lan, góp phần mang cùng đồng đội mang vinh quang về cho Tổ quốc.