Bộ máy chính phủ "vườn không nhà trống" nói điều gì về phong cách lãnh đạo của Trump?

Linh Nguyễn |

Tổng thống Trump mới bổ nhiệm hơn 30 người trong số 1000 quan chức lãnh đạo trong bộ máy chính phủ liên bang. Tuy nhiên, dường như Trump tỏ ra không mấy bận tâm đến chuyện này.

Theo New York Times, những người có liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực cho rằng có vẻ như ngài Tổng thống đã quên lãng việc lấp đầy chính phủ sau khi lựa chọn xong các thành viên nội các và thẩm phán Tòa án Tối cao.

Trump che đậy sự thiếu chú ý của bản thân bằng cách vẽ ra một kế hoạch, New York Times phỏng đoán. Trên Fox News hồi tuần qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Trong nhiều trường hợp, chúng tôi ko muốn bổ nhiệm các chức vụ đó. Nhiều người như thế để làm gì? Không cần nhiều nhân sự đến mức đấy."

New York Times ghi nhận, hầu hết các chính quyền mới đều xúc tiến khá chậm chạp trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, đến ngày thứ 42, cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush hay Barack Obama đều đã đề cử số lượng nhân sự rất đáng kể. Trump thì chưa hề.

Ví dụ cho tình trạng hỗn loạn chung chính là Hội đồng An ninh Quốc gia. Tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia thay cho tướng Michael Flynn đã "ngã ngựa", phải thừa hưởng một đội ngũ cấp dưới bao gồm cả nhân sự có trình độ và những người trung thành với Flynn nhưng lại thiếu hiểu biết về lĩnh vực này. Ai nấy đều tỏ ra bồn chồn lo lắng, theo nguồn tin của New York Times.

Trong khi đó, trọng trách vận hành các cơ quan liên bang đang nằm trong tay hơn 600 người, bao gồm bạn hữu, nhà đóng góp cho ban vận động tranh cử của Trump, và đồng minh chính trị của ông chủ Nhà Trắng. Nhiều người không có kinh nghiệm và kiến thức gì về các cơ quan liên bang họ phải quản lý, và vấp phải sự phản đối của nhân viên cấp dưới.

Những người hiểu rõ phong cách quản lý "cha-và-mẹ" (ý nói sắp xếp người thân cận vào các vị trí lãnh đạo - ND) của Trump đều tỏ ra không mấy ngạc nhiên. Cách lãnh đạo này không phù hợp cho một chính phủ liên bang với hơn 3 triệu nhân viên trên toàn thế giới.

Tờ Politico hồi tuần qua đăng tải câu chuyện về phong cách lãnh đạo của nhà tài phiệt Trump có nhiều điểm rất giống với cách tiếp cận của ông chủ Nhà Trắng hiện nay: Khi tập đoàn của Trump đổ bể vào thập niên 90, Trump thậm chí còn không có giám đốc tài chính (CFO), mà các chủ nợ của Trump ép ông phải bổ nhiệm một người.

Tại Ngân khố Quốc gia Mỹ, ban lãnh đạo cấp cao không có một ai ngoài Tổng thư ký Steve Mnuchin. Những chiếc bàn làm việc trống trơn ở đây là bằng chứng cho việc Trump đã quên bài học kinh doanh trước kia.

Bản thân ông Mnuchin đã đệ trình một số đề cử lấp đầy ban lãnh đạo Ngân khố, nhưng đều bị từ chối do các ứng viên từng chỉ trích Trump, hoặc có quan điểm không phù hợp với Nhà Trắng.

Theo New York Times, không chỉ Steve Mnuchin mà một số quan chức Nội các bao gồm cả Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng vấp phải nhiều trở ngại tại Nhà Trắng. Shermichael Singleton, cố vấn cấp cao cho tân Bộ trưởng Gia cư và Phát triển đô thị Ben Carson, có thể đã phá kỷ lục bị sa thải nhanh nhất khi bị cho thôi việc từ khi Carson còn chưa bước vào ngày làm việc đầu tiên.

Singleton bị sa thải do từng có lời lẽ chỉ trích Tổng thống Trump khi còn tranh cử. Nội các thay thế Singleton bằng một nhân viên của Tập đoàn Trump, Bộ trưởng Carson không quen biết người này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại