Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, rạng sáng 25-6, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa taxi và xe máy xảy ra tại giao lộ Tân Hương và Võ Công Tồn (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM). Tai nạn khiến cô gái ngồi sau xe máy tử vong tại chỗ…
Điều đáng nói, qua trích xuất camera an ninh cho thấy tài xế taxi liên quan vụ tai nạn sau khi xuống xe nhìn hai nạn nhân thì lên xe tẩu thoát. Ngoài ra, một số người đi đường chỉ nhìn cảnh người gặp nạn thì không đưa đi cấp cứu mà lại bỏ đi. Tại CQĐT, tài xế taxi khai sau tai nạn, xuống xe thấy nạn nhân co giật nên hoảng loạn và lái xe rời đi.
Vậy hành vi nêu trên của tài xế taxi và người đi đường có dấu hiệu phạm tội hay không?
Bỏ mặc nạn nhân: Tình tiết định khung tăng nặng
Theo một hội thẩm nhân dân đã từng tham gia xét xử các vụ án TNGT (đề nghị không nêu tên), hành vi của tài xế taxi rõ ràng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trong vụ này cần phân biệt hai trường hợp.
Thứ nhất, nếu người này có lỗi trong vụ va chạm giao thông, mở cửa xe ra và thấy nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và bỏ mặc dẫn đến nạn nhân chết thì vẫn chỉ xử lý tài xế về một tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 BLHS.
Bởi tại khoản 2 điều luật này có quy định về việc không cứu giúp người bị nạn hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.
Do vậy, nếu tài xế taxi có hành vi vừa nêu sẽ không chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS mà đây được coi là một tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 260 BLHS.
Thứ hai, nếu tài xế taxi không có lỗi trong vụ TNGT, tức không bị xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì hành vi không cứu giúp nạn nhân của anh ta có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, để xử lý về tội này thì không hề dễ dàng chút nào.
Ngày 28-6, Công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết qua điều tra ban đầu đã xác định tài xế taxi liên quan trong vụ tai nạn đã điều khiển xe rẽ trái không bật đèn tín hiệu, khi xảy ra va chạm đã tự ý rời đi. Đồng thời, người điều khiển xe máy cũng có phần lỗi trong vụ tai nạn, hiện sức khỏe của người này chưa được đảm bảo nên tạm thời chưa lấy được lời khai. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Công an quận Tân Phú đang khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 25-6. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Khó khép tội không cứu giúp người…
Theo vị hội thẩm nhân dân, đối với tội không cứu giúp người… cần xác định mối quan hệ nhân quả của hành vi không cứu giúp với hậu quả chết người. Tức là nếu xác định vì không cứu mà dẫn đến hậu quả người đó chết thì mới có tội, còn nếu cứu hay không cứu mà người đó vẫn chết thì khó kết tội được người không cứu.
Nói tóm lại, tài xế taxi có thể bị xử lý về tội không cứu giúp… nếu hội đủ hai điều kiện: Không bị tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và hành vi không cứu giúp dẫn đến hậu quả nạn nhân chết.
Tương tự, những người đi đường nhìn thấy người bị nạn mà vẫn dửng dưng bỏ đi thì vẫn có thể bị xem xét, xử lý họ về tội không cứu giúp… Tuy nhiên, ngoài việc phải xác định được danh tính cụ thể những người đi đường ấy thì như đã nói, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả chết người là rất khó.
Ngoài ra, cái khó chứng minh nhất trong các vụ án TNGT gây chết người hiện nay là nếu có rất nhiều người đi ngang qua thấy vụ tai nạn mà không cứu thì không lẽ truy cứu trách nhiệm hình sự hết tất cả người này? Điều này gần như là không thể.
Ta có thể ví dụ một người bị tai nạn ở một đoạn đường vắng, sau đó có một hoặc hai người đi ngang qua nhìn thấy nhưng không có bất kỳ động thái nào cứu giúp như đưa người đi cấp cứu, hô hoán hay gọi điện thoại cho người khác, đơn vị cấp cứu đến cứu… khiến nạn nhân bị mất máu trầm trọng dẫn đến tử vong. Hoặc tại một hồ bơi, một cháu bé nhỏ tuổi bị té xuống, các cháu bé khác không nhìn thấy hoặc để ý, người quản lý hồ bơi là người duy nhất nhìn thấy nhưng không ứng cứu… Khi đó việc kết tội người đi đường hay người quản lý hồ bơi mới thuyết phục.
Cần tấm lòng nhân văn, nhân đạo
TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (giảng viên ĐH Luật TP.HCM) cũng đồng tình việc nếu chứng minh được tài xế taxi không có lỗi trong vụ TNGT mà xác định rõ người này có hành vi bỏ mặc nạn nhân, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến người bị nạn tử vong thì tài xế taxi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp… theo Điều 132 BLHS.
Nếu tài xế vừa vi phạm giao thông đường bộ gây ra tai nạn đồng thời thấy nạn nhân nguy kịch mà không ứng cứu thì cũng chỉ xem đây là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định tâm lý e ngại vì không có kiến thức chuyên môn về y tế nếu cấp cứu có thể làm cho nạn nhân tử vong, hay sợ việc tiếp cận nạn nhân có thể làm thay đổi hiện trường vụ án, sợ bị liên lụy… là có thật.
Tuy nhiên, với người dân tham gia giao thông, tức cũng đã đủ tuổi và về nhận thức họ hoàn toàn có thể can thiệp bằng các biện pháp cần thiết như gọi điện thoại cho xe cấp cứu số 115, gọi công an, gọi các lực lượng chức năng, hô hoán bà con… cùng cứu giúp nạn nhân.
Không vì lý do không có chuyên môn về y khoa hay sợ hiện trường bị thay đổi mà không có bất kỳ động thái nào, bỏ mặc nạn nhân (trong khi có thể làm những việc phù hợp khác), làm mất đi cơ hội sống của người khác cũng như có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Người với người với nhau cần có những ứng xử nhân văn, nhân đạo để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn" - TS Khánh chia sẻ.