Tuy nhiên, thông tin về vụ việc vẫn chỉ được đại diện Bộ KH&CN cung cấp một cách nhỏ giọt. Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) - cho biết, liên quan đến vụ việc như của Asanzo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) và Bộ KH&CN đã tiến hành kiểm tra, xác minh.
“Đây là một vụ việc hết sức phức tạp, rất nhiều yếu tố liên quan chứ không chỉ riêng về nhãn “made in Viet Nam” vì nhãn ở đây rất nhỏ thôi. Liên quan đến hoạt động này, Bộ KH&CN đã thông tin cho Ban chỉ đạo 389 để thực hiện đúng theo quy định,” ông Nguyễn Hoàng Linh nói, đồng thời nhấn mạnh đây là vụ việc “rất phức tạp”.
“Tôi nhớ không nhầm thì báo cáo về Asanzo là báo cáo “Mật”, nên chỉ có thể chia sẻ một số thông tin.
Thực ra đây là vụ việc rất phức tạp và cũng có những tình tiết đang được xem xét cụ thể. Về nhãn cũng như vậy, có một số điểm đang xem xét có vi phạm nhưng vi phạm ở mức độ nào đó và ai chịu trách nhiệm thì hiện nay đang báo cáo để xem xét cụ thể.”
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.
Đối với quy định về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong đó có yêu cầu cụ thể về thông tin thể hiện cho các nhóm sản phẩm hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, tên hàng hóa, nhãn hiệu,… Nghĩa vụ của các doanh nghiệp có sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường là phải tuân thủ theo Nghị định này.
Với các trường hợp cụ thể, yêu cầu về nhãn hàng hóa còn nhiều thông tin khác nhau. Ví dụ như thông tin về xuất xứ hàng hóa phục vụ cho các hoạt động xuất khẩu lại có các quy định khác mà doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của thế giới và của Việt Nam.
Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, vừa qua Bộ Công Thương có gửi dự thảo Thông tư quy định thế nào là sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam (Made in Viet Nam).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì buổi họp báo.
Làm rõ hơn những phát biểu của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN – cho biết, liên quan đến quá trình điều tra, chỉ Ban chỉ đạo 389 mới được phép công bố thông tin.
“Chính phủ phân công các khâu tương đối rõ, trong đó Bộ KH&CN làm bước về các quy định pháp luật quy định phải ghi nhãn như thế nào. Trong các tình huống xảy ra khi được trưng cầu thì Bộ KH&CN cũng sẽ trả lời và nghiên cứu xem những trường hợp ghi nhãn đó là đúng hay sai.” – Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Cũng theo sự phân công của Chính phủ, khi hàng hóa của các doanh nghiệp lưu hành trên thị trường thuộc quyền quản lý của Tổng cục Quản lý thị trường.
Nếu ở khâu xuất nhập khẩu, phía Hải quan cũng sẽ có trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. Khi vụ việc lên mức tinh vi hơn, gây hại hơn thì sẽ có bên Công an đảm nhiệm.
“Như vậy, công cuộc phòng chống hàng giả có rất nhiều đơn vị tham gia, bản thân người dân, doanh nghiệp cũng tham gia rất sát sao quy trình này.
Khi thấy doanh nghiệp có ý định xâm phạm thì người ta cũng có nhiều kênh, có thể qua kênh hành chính hoặc tòa án, điều này đã được thể hiện tại quy định của pháp luật,” Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.