Bỏ học Đại học Stanford chỉ sau 3 tháng, chàng trai 26 tuổi trở thành tỷ phú và là tương lai của ngành ô tô tự lái

LỤC LAM |

Ở tuổi 26, Austin Russell đã là một tỷ phú với khối tài sản 2,4 tỷ USD nhờ sáng lập công ty Luminar.

Khi lên 3 tuổi, Austin Russell đã thuộc lòng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Năm 13 tuổi, anh phát minh ra một hệ thống tái chế hoạt động dưới nước. Chưa tròn 17 tuổi, Russell thành lập một công ty có nhiệm vụ giúp xe tự lái tránh va chạm.

Giờ đây, ở tuổi 26, Russell đã là một tỷ phú. Luminar Technologies Inc., là công ty được thành lập khi anh còn ở độ tuổi thiếu niên. Công ty này đã niêm yết vào tháng 12 năm ngoái và Russell sở hữu 105 triệu cổ phiếu tính đến ngày 2/12, tương đương gần 1/3 số cổ phiếu đang lưu hành. Khoản nắm giữ lớn như vậy đang mang về cho doanh nhân trẻ khối tài sản 2,4 tỷ USD chỉ trong ngày giao dịch đầu tiên.

Russell chia sẻ: "Khi bạn bắt đầu với con số 0 và xây dựng thứ gì đó với giá trị thực, thì đó là lúc mọi thứ trở nên thú vị."

Luminar có trụ sở tại Orlando, sản xuất công nghệ đo khoảng cách cho ô tô tự lái dưới dạng máy quét lidar, sử dụng tia laser cho việc cảm biến các mục tiêu gần đó. Máy quét giúp máy tính tích hợp tạo ra hình ảnh các chướng ngại vật xung quanh xe, từ đó tránh va chạm với người đi bộ hoặc phương tiện khác.

Niềm đam mê đối với khoa học của Russell ngày càng nở rộ khi anh lớn lên ở Newport Beach (California). Khi mới 11 tuổi, anh đã biến khu để xe của gia đình thành phòng thí nghiệm nghiên cứu điện và quang học. Russell chia sẻ: "Tôi đã có rất nhiều ngày ở đó". Cha mẹ anh thậm chí còn mang đồ ăn đến nhà để xe.

Bỏ học Đại học Stanford chỉ sau 3 tháng, chàng trai 26 tuổi trở thành tỷ phú và là tương lai của ngành ô tô tự lái - Ảnh 1.

Austin Russell - nhà sáng lập của Luminar.

Cuối cùng, trong căn phòng thí nghiệm, chàng trai trẻ đã có những phát minh khác như bàn phím đa chiều. Anh chiếu chiếc bàn phím này lên bàn học và gõ chữ. Sau đó, anh kết luận rằng việc áp dụng những phát minh như thế nào vào thực tế "có vẻ tuyệt vời".

Ban đầu, Russell trả tiền thuê phòng thí nghiệm bằng khoản thu nhập từ giải đấu game "Super Smash Brothers" của Nitendo. Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 2013, anh đăng kí vào Đại học Stanford với dự định theo học ngành vật lý ứng dụng.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, Russell quyết định bỏ học và nhận học bổng 2 năm từ 1 quỹ của doanh nhân ngành công nghệ Peter Thiel. Theo đó, anh đã phát triển Luminar và một máy quét lidar có hiệu suất cao. Russell khẳng định, chiếc máy quét này sẽ là chìa khóa cho phép các phương tiện tự lái trở thành hiện thực.

Và hiện thực đó sẽ sớm diễn ra. Tháng 5/2020, Luminar đã ký thỏa thuận để cung cấp công nghệ lidar cho những chiếc xe điện có chức năng tự lái đầu tiên của Volvo. Dòng xe này dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào năm sau.

Sau khi được Gores Metropoulos Inc. – một SPAC, mua lại hồi tháng 8 năm ngoái, Luminar đã chính thức niêm yết. Doanh thu của startup này là khoảng 14 triệu USD trong năm 2020 và dự kiến sẽ không có lợi nhuận cho đến năm 2024.

Bỏ học Đại học Stanford chỉ sau 3 tháng, chàng trai 26 tuổi trở thành tỷ phú và là tương lai của ngành ô tô tự lái - Ảnh 3.

Hình ảnh hiển thị qua thiết bị cảm biến của Luminar.

Russell chia sẻ việc xây dựng kiểu doanh nghiệp như thế này thực sự khó khăn. Do đó, anh đã học hỏi rất nhiều từ những vị doanh nhân giàu kinh nghiệm với những lời khuyên được đưa ra đúng thời điểm.

Jun Hong Seng – nhà sáng lập và CIO của Crescent Cove Advisors LP, đã gặp gỡ Russell thông qua chương trình đào tạo của tỷ phú Thiel. Công ty của ông đã đầu tư vào Luminar khoảng 100 triệu USD kể từ năm 2016. Khi công ty này chuẩn bị niêm yết, một số cổ đông đặt ra câu hỏi liệu Russell có phải là CEO phù hợp để đưa công ty này phát triển hơn nữa hay không. Ông Heng cho biết họ nên kiên trì với startup này.

Cũng như Heng, Rebecca Lynn – nhà đồng sáng lập và đối tác tại Canvas Ventures, cũng là một nhà đầu tư giai đoạn đầu của Luminar. Công ty đầu tư mạo hiểm của bà đã rót 13,25 triệu vào startup này trong 2 vòng gọi vốn.

Lynn có thể đưa ra những lời khuyên cho Russell bởi bà từng là quan sát hoạt động của hội đồng quản trị Luminar trước khi công ty này niêm yết. Bà đã khuyên Russell nên thuê nhóm giám đốc điều hành đẳng cấp thế giới để "giúp anh có thể quan sát khắp các ‘ngóc ngách’ và giảm bớt thời gian marketing".

Tom Fennermore – người vừa trở thành CFO của Luminar vào năm 2020, chính là nhân sự mà Russell cần. Trước đây, ông là giám đốc toàn cầu của bộ phận ô tô tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group LLC và Goldman Sachs Group Inc.

Nick Woodman – nhà sáng lập và CEO của GoPro, đã đầu tư 18 triệu USD vào Luminar. Thành lập công ty sản xuất máy ảnh phần mềm quản lý nội dung và dịch vụ đám mây vào năm 2002, Woodman hiểu rất rõ về những căng thẳng khi điều hành 1 startup phát triển nhanh.

Woodman chia sẻ với vị giám đốc trẻ của Luminar: "Để trở thành phiên bản tốt nhất của mình, anh phải chăm sóc bản thân." Theo đó, Russell đã rút ngắn thời gian làm việc trong tuần từ 120 giờ xuống 80 giờ. Ngoài ra, Woodman cũng khuyên Russell nên tránh những cuộc họp dài bất tận, thay vào đó là tổ chức họp thường kỳ.

Alec Gores là chủ tịch và CEO của The Gores Group LLC – công ty SPAC đã đưa Luminar "lên sàn", ông còn là giám đốc của Luminar. Gores đã dành khá nhiều thời gian để tư vấn cho Russell trong năm vừa qua, nói đến tầm quan trọng của việc ủy quyền. Ông nhấn mạnh Russell nên tập trung vào "bức tranh" toàn cảnh, không nên để bị cuốn vào những vấn đề nhỏ hết ngày này qua ngày khác.

Những lời khuyên như vậy đã củng cố quan điểm về tầm nhìn xa của Russell đối với vai trò của mình. Anh chia sẻ: "Tôi thật may mắn khi nhận được sự tư vấn của các ‘tiền bối’ để có được tầm nhìn 50 năm cho Luminar."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại