- Thưa thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về kết quả giám sát thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) tại dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhất là mức chênh lệch đến 700 triệu đồng/ngày của quý 1/2016 với thời điểm giám sát?
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, ngày 30/6/2016, Tổng cục ĐBVN quyết định kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Cty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ trong 10 ngày, từ 18 giờ ngày 10/7 đến 20/7.
Tổng cục ĐBVN đã báo cáo Bộ GTVT. Theo kết quả báo cáo nêu trên không có chênh lệch giữa số liệu kiểm tra giám sát của Tổng cục ĐBVN và số liệu của chủ đầu tư trong thời gian kiểm tra.
Tuy nhiên, so sánh giữa số liệu tại thời điểm kiểm tra của Tổng cục và một số thời điểm trước đây thì có sự chênh lệch.
Nguyên nhân của sự chênh lệch này có thể do chủ quan hoặc khách quan như: Lưu lượng xe tăng khi dự án đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo giao thông thuận lợi, êm thuận…
-Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GTVT nên tiếp tục "hồi tố", làm rõ nguyên nhân sự khác nhau, chênh lệch mức phí thu được. Bộ GTVT sẽ xử lý tiếp theo thế nào?
Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục ĐBVN về kết quả giám sát tại các trạm thu phí Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nêu trên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục ĐBVN phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ các nguyên nhân, đối chiếu với quy định hợp đồng BOT để xem xét xử lý theo quy định.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với dự án BOT này và các dự án BOT khác.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường
- Sau giám sát, Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT tính toán lại phương án tài chính, thay đổi phương án thu phí của dự án. Bộ GTVT xử lý đề nghị này như thế nào?
Theo hợp đồng BOT, việc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung hợp đồng, điều chỉnh thời hạn thu phí của nhà đầu tư sẽ được thực hiện khi "lưu lượng xe, thành phần dòng xe thay đổi dẫn đến doanh thu thực tế trung bình trong 2 năm liên tục tăng, giảm từ 5% trở lên so với số liệu tính toán trong PATC của Hợp đồng".
Do vậy, trên cơ sở số liệu thực tế, trường hợp đáp ứng yêu cầu điều kiện của hợp đồng đã ký thì Tổng cục ĐBVN sẽ tính toán và đề nghị điều chỉnh hợp đồng theo quy định.
- Tổng cục ĐBVN đề nghị nên áp dụng phương thức khoán thu phí đối với trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ và các trạm BOT còn lại. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?
Để quản lý tốt và chống thất thoát doanh thu, chống tiêu cực tại trạm thu phí thì phải áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến vào quản lý đó là việc áp dụng triển khai đồng loạt các trạm thu phí không dừng.
Đi đôi với việc đó cần tiếp tục thực hiện giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân viên thu phí của nhà đầu tư trong việc nghiêm chỉnh chấp hành chế độ thu phí; tăng cường tuyên truyền lái xe khi qua trạm thu phí thanh toán và lấy cuống vé đầy đủ.
Tổng cục ĐBVN và các cơ quan thanh tra kiểm tra sẽ tăng cường giám sát thanh tra, kiểm tra tại các trạm thu phí.
Cơ quan thuế nên tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chế độ thu phí, chế độ quản lý chứng từ hóa đơn tại các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Ngoài ra, Bộ sẽ nghiên cứu để nâng mức xử phạt cá nhân, nhân viên thu phí và nhà đầu tư trong việc gian lận thu phí.
Xin cảm ơn ông!
Như Tiền Phong đã đưa tin, kết quả kiểm tra 10 ngày thu phí của Tổng cục đường bộ Việt Nam tại trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ: tổng doanh thu thu phí 10 ngày đạt 19,8 tỷ đồng, bình quân một ngày gần 2 tỷ đồng. Trước đó theo công bố của Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày. Như vậy đã có sự chênh lệch phí đến 600 triệu đồng/ngày.