“Những nỗ lực để cải thiện quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc chỉ có thể được thực hiện khi hai bên cùng cố gắng dựa trên sự hợp tác của người dân hai miền”, KCNA nhận định. “Ý muốn thắt chặt mối quan hệ liên Triều cần được hậu thuẫn không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng cả những hành động thiết thực để thúc đẩy sự hòa hợp, đoàn kết và thống nhất.”
KCNA cáo buộc hành động ngăn chặn sự đối thoại của hai miền bán đảo Triều Tiên bằng “những cái cớ không hợp lý, cũng như các công cụ pháp lý và thể chế” thực chất chỉ là một sự “lừa dối” nhằm đánh lạc hướng công chúng trong và ngoài nước.
Tuyên bố của KCNA dường như đề cập đến những lời chỉ trích ngày càng gia tăng từ giới bảo thủ Hàn Quốc, cho rằng sự hỗ trợ tài chính mà Hàn Quốc dành cho các vận động viên Triều Tiên tham gia thể vận hội có thể sẽ vi phạm các nghị quyết trừng phạt quốc tế.
Cuộc hội đàm sắp tới làm dấy lên hi vọng về sự “tan băng” trong mối quan hệ liên Triều, vốn đang căng thẳng bởi sự khiêu khích không ngừng của Triều Tiên thông qua việc thử tên lửa và hạt nhân.
Tuy nhiên, giới bảo thủ Hàn Quốc bày tỏ sự lo ngại, rằng Triều Tiên có thể tận dụng thế vận hội Olympic để ngăn chặn sự gia tăng các lệnh trừng phạt toàn cầu, gieo bất đồng ở nội bộ Hàn Quốc và ly gián quan hệ Mỹ - Hàn.
Cũng trong hôm nay, Bình Nhưỡng và Seoul dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận qua đường dây nóng về phái đoàn tham gia cuộc hội đàm cấp cao ngày 9/1 tại làng Bàn Môn Điếm.
Theo Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, nội dung chính trong cuộc đàm phán sắp tới sẽ là sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông Olympic PyeongChang.
Việc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang, nếu trở thành hiện thực, sẽ được xem là một cử chỉ ôn hòa giúp giảm căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.