Bộ GDĐT: Nếu được tôn vinh kịp thời, em Phạm Song Toàn không phải tức tưởi chuyển trường

BÍCH HÀ |

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), em Phạm Song Toàn cần được tôn vinh, vì em xứng đáng nhận được điều đó thay vì phải lựa chọn cách chuyển trường.

Tại tọa đàm trực tuyến 'Bạo lực học đường - Góc nhìn thẳng' do Báo Tiền phong tổ chức chiều 11.4, câu chuyện của Phạm Song Toàn - người dũng cảm lên tiếng về việc cô giáo dạy Toán của mình im lặng, không giảng bài cho học sinh trong suốt nhiều tháng - đã khiến nhiều chuyên gia day dứt.

Đau lòng nhất là hành động dám lên tiếng của em đáng lẽ phải được tôn vinh, nhưng kết quả là em bị cô lập trong chính ngôi trường của mình.

“Tôi đồng tình rằng, việc chuyển trường không phải là giải pháp hay. Phản ánh của học sinh diễn ra trong bối cảnh Sở Giáo dục gặp mặt học sinh tiêu biểu trong thành phố, em Song Toàn nói ra sự việc đó cũng xuất phát từ trách nhiệm của một học sinh và là Bí thư đoàn trường.

Song Toàn là nữ sinh có trách nhiệm khi thẳng thắn lên tiếng vì quyền lợi tập thể. Hành động của em cần được biểu dương, tôn vinh.

Theo tôi, để xảy ra điều đó xuất phát từ việc thiếu sự dân chủ trong nhà trường. Nếu có sự trao đổi, giải quyết kịp thời có lẽ sẽ không dẫn đến chuyện đáng tiếc là em Phạm Song Toàn phải chuyển trường ” - Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nêu quan điểm.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT - đồng tình với quan điểm này.

Ông cho rằng trong trường hợp của em Toàn, nếu có nhiều sự đồng tình, tôn vinh, thậm chí khen ngợi nhiều hơn trong bạn bè, nhà trường và thầy cô, chuyện sẽ chuyển biến theo hướng tốt hơn.

Toàn có lẽ đã không phải xin chuyển trường để tránh sự cô lập, áp lực đến từ giáo viên và bạn học.

Còn theo bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, nhìn từ việc của em Phạm Song Toàn và những vụ việc trong thời gian qua cho thấy sự lệch chuẩn không chỉ diễn ra ở mỗi học sinh mà diễn ra ở cả giáo viên, phụ huynh.

Bà Minh cho rằng, qua việc phản ánh của nữ sinh Song Toàn, chúng ta phải tháo gỡ tận gốc vấn đề và phải giữ em Song Toàn ở lại vì không thể để cái xấu lấn át cái tốt: "Cách chuyển trường không phải là cách hay.

Em đã dũng cảm thì nên dũng cảm tiếp để thay đổi môi trường giáo dục”.

Cũng theo bà Minh, hiện bạo lực học đường đang diễn ra từ hình thức này sang hình thức khác nhưng tất cả đều có nguyên nhân sâu xa của nó.

Trong đó có ứng xử của học sinh, ứng xử của phụ huynh, của nhà trường và quan trọng là sự phối hợp của nhà trường và xã hội trong vấn đề giáo dục chưa được tốt.

Để giải quyết tận gốc những vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nêu giải pháp: Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng lưu ý vấn đề tăng cường đối thoại giữa nhà trường và giáo viên, học sinh. Nhà trường phải có quy tắc ứng xử trong trường học, ở đó thầy phải ra thầy, trò phải ra trò.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát các văn bản, điều lệ, quy chế, hoàn thiện các chuẩn nhà giáo, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp và quan trọng là sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời sẽ tăng cường tính dân chủ trong trường học để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại