Sáng nay (9/3), tại ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2023. Chương trình do do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức, thu hút hàng ngàn học sinh và phụ huynh từ khắp nơi đổ về tham dự.
Hàng ngàn thí sinh tham gia ngày hội hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường cao đẳng, đại học, hơn 600.000 phụ huynh đồng hành cùng các em trong việc chọn trường chọn ngành. Sau năm nhất, có rất nhiều sinh viên nhận ra ngành học mình chọn, ngôi trường mình chọn chưa hẳn đã là ngành học mình thực sự mong muốn, mình thực sự phù hợp.
Vẫn còn rất nhiều học sinh chưa tận dụng hết các cơ hội để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, vào ngành học, trường học mình mong muốn.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại chương trình
Các ngày hội và chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp luôn tạo cơ hội và đồng hành cùng các học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn được tìm hiểu, tiếp xúc trực tiếp với những quy định chính xác, kịp thời liên quan tới việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT hy vọng với những thông tin và chia sẻ tại chương trình, học sinh sẽ xác định được đúng năng lực, sở trường, sở thích và điều kiện thực tế của bản thân để định hướng tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới, lựa chọn được ngành học phù hợp nhất.
Thông tin tại phiên tư vấn, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có 75% nội dung ở mức nhận biết, thông hiểu và có 25% thuộc mức vận dụng, vận dụng cao. Học sinh học chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 đã có thể đạt 75% điểm số của bài thi.
Còn lại 25% nội dung đề thi ở mức vận dụng, vận dụng cao có tính phân hóa là căn cứ để các cơ sở đào tạo sử dụng là một trong các phương thức xét tuyển.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý, thí sinh cần bám sát đề thi minh họa được Bộ GD-ĐT đã công bố để có định hướng ôn tập.
Dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp từ ngày 17-19/7 để tạo thời gian thuận lợi nhất cho thí sinh xét tuyển đại học.
Thông tin về những điểm mới trong công tác xét tuyển đại học năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lấy ví dụ như thí sinh muốn đăng ký vào ngành công nghệ thông tin thì chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển nào. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết, ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD-ĐT cập nhật sẵn và phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng đặc biệt lưu ý thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất.
Tuy nhiên, về phía các cơ sở đào tạo, việc xét tuyển sẽ công bằng với tất cả các nguyện vọng. Vì thế quan trọng nhất là thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển, không lo nguyện vọng đó nằm ở số 1 hay số 5. Hệ thống sẽ xử lý để thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng xếp ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng thí sinh đủ điều kiện./.