Bồ Đào Nha không phải là “kẻ thù của EURO”

Quốc Bảo |

Trên chuyến tàu du lịch dọc sông Seine, 2 vị khách - 1 người bình thường và 1 cầu thủ Bồ Đào Nha - chẳng may rơi xuống nước. Trên tàu chỉ có 1 chiếc phao và tất cả bàn nhau không thả nó về phía… cầu thủ Bồ Đào Nha.

Ví dụ của Paraguay

Câu chuyện giả tưởng trên phản ánh một sự thật: Chưa bao giờ trong lịch sử của mình, Bồ Đào Nha lại bị ghét như bây giờ.

Đa số các CĐV trung lập đều muốn thấy đoàn quân dưới quyền HLV Fernando Santos bị nhấn chìm tại EURO 2016.

Nhìn lại quá khứ, có một đội bóng cũng từng thi đấu cực kỳ “cù nhầy” với một chuỗi các trận hòa để rồi vào đến trận chung kết, đó là Paraguay của Copa America 2011. Tại giải đấu đáng quên ấy, Paraguay thậm chí không ghi nổi 1 bàn trong giai đoạn đấu knock-out.

Tuy vậy, Paraguay 2011 vẫn không phải nhận nhiều lời chỉ trích như Bồ Đào Nha của EURO 2016. Mọi người cứ mặc định là Bồ Đào Nha đang tàn phá vẻ đẹp của bóng đá, kể cả khi trước trận bán kết với Wales họ đã “nổ súng” ở 4/5 trận.

Nếu Ronaldo không đá hỏng phạt đền ở trận gặp Áo, thành tích ghi bàn của Bồ Đào Nha đã đạt 100%.

Và đừng quên, trận đấu hấp dẫn nhất tại EURO 2016 chính là cuộc so tài có sự góp mặt của Bồ Đào Nha: Hòa Hungary 3-3. Có lẽ, thiên hạ không ưa Bồ Đào Nha là do họ không phải là đội bóng tầm thường như Paraguay.

Tại Copa America cách đây 5 năm, Paraguay không có một ngôi sao nào. Tại EURO, Bồ Đào Nha dẫu không phải là “Thế hệ vàng” như thời Luis Figo thì ít nhất cũng sở hữu cỗ máy ghi bàn số 1 hành tinh là Cristiano Ronaldo và tài năng trẻ hứa hẹn bậc nhất thế giới Renato Sanches.

Chưa kể, họ đã có 5 lần vào đến bán kết trong số 9 kỳ EURO và World Cup từng tham dự, trong khi thành tích tốt nhất của Paraguay tại đấu trường World Cup chỉ là một lần xuất hiện tại tứ kết.

Bài học từ Brazil và Đức

“Trong bóng đá, nhiều khi đội chơi hay hơn lại không thể thắng. Điều đó đã xảy ra trong trận đấu hôm nay. Chúng tôi chơi chủ động, kiểm soát thế trận, tạo ra nhiều cơ hội nhưng không thể ghi bàn.

Còn họ lùi sâu đội hình tử thủ, chẳng tạo được cơ hội nào rõ rệt thì lại có bàn thắng ở những phút cuối hiệp phụ” - HLV Ante Cacic chua chát phát biểu sau khi Croatia bị Bồ Đào Nha loại tại vòng 2 bởi cú sút trúng đích đầu tiên của trận đấu ở phút… 117.

Tuy nhiên, trước khi trách người khác thì cũng nên nhìn lại mình. Bồ Đào Nha có thể hơi… hèn, song Croatia cũng chẳng dũng cảm hơn là mấy.

Ở vòng bảng, nơi mọi sai lầm đều không phải trả giá quá đắt, Croatia đá tưng bừng trước các đối thủ. Luka Modric cùng các đồng đội thậm chí còn hiên ngang quật ngã ĐKVĐ Tây Ban Nha.

Bước vào vòng đấu có tính chất một mất một còn, Croatia bắt đầu có tâm lý sợ nên không dám đẩy cao đội hình, không dám thực hiện những đường chuyền mạo hiểm.

Đối thủ Ba Lan cũng vậy, sau khi bất ngờ có được pha mở tỉ số ngay ở giây thứ 100, “Đại bàng trắng” đã lập tức cụp cánh để bảo vệ cầu môn.

Ngay cả khi Bồ Đào Nha gỡ hòa, Ba Lan cũng chẳng thực hiện một đợt tấn công nào ra hồn.

Không phủ nhận Bồ Đào Nha - một dạo từng được ví von là “Brazil của Châu Âu” nhờ lối chơi mềm mại - chơi tiêu cực, nhưng công bằng mà nói thì họ hoàn toàn không phá bóng đá nếu không có được sự hợp tác tích cực từ các đối thủ.

Nhìn rộng hơn, Bồ Đào Nha không phải những người đi tiên phong trong trào lưu đặt kết quả lên trên nhu cầu giải trí của khán giả.

12 năm trước, chính Bồ Đào Nha đã trở thành nạn nhân của một trong những đội bóng chơi “bẩn” nhất mọi thời đại - Hy Lạp.

Và không chỉ một Hy Lạp nhỏ bé, ngay cả các nền bóng đá hàng đầu như Đức (World Cup 1980), Argentina (World Cup 1990), Brazil (World Cup 2010) hay Hà Lan (World Cup 2014) cũng đều có lúc phản bội triết lý vị nghệ thuật mà họ luôn rao giảng cho phần còn lại.

Bởi xét cho cùng, nhân loại chỉ lưu danh người chiến thắng chứ không ghi nhớ những kẻ thất bại vĩ đại như Hungary của World Cup 1954.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại