Đảng cầm quyền của Bồ Đào Nha cho biết các quy định mới được thông qua hôm thứ Sáu tuần trước là một phản ứng đối với sự bùng nổ của trào lưu việc làm tại nhà do hậu quả của đại dịch COVID-19.
Theo quy định mới, người sử dụng lao động có thể phải đối mặt với hình phạt nếu liên lạc với người lao động ngoài giờ hành chính. Các công ty cũng sẽ phải giúp thanh toán các chi phí phát sinh do làm việc từ xa, chẳng hạn như hóa đơn tiền điện và internet cao hơn.
Nhưng các sửa đổi đối với luật lao động của Bồ Đào Nha có giới hạn: Chúng sẽ không áp dụng cho các công ty có ít hơn mười nhân viên.
Các công ty hiện sẽ phải đối mặt với các khoản tiền phạt nếu cố tình liên lạc với người lao động ngoài giờ làm việc bình thường của họ, quy định mới nêu rõ.
Người sử dụng lao động cũng bị cấm giám sát nhân viên của họ khi họ làm việc tại nhà.
Tuy nhiên, một đề xuất bao gồm cái gọi là "quyền ngắt kết nối" - quyền hợp pháp để tắt các tin nhắn và thiết bị liên quan đến công việc ngoài giờ hành chính - đã bị các nghị sĩ Bồ Đào Nha bác bỏ.
Các công ty hiện cũng phải đóng góp vào các chi phí mà người lao động phải gánh chịu do chuyển sang làm việc từ xa. Điều này có thể bao gồm hóa đơn điện hoặc internet, nhưng không bao gồm nước. Và người sử dụng lao động có thể ghi nhận những chi phí này như một dạng chi phí kinh doanh.
Các quy định mới cũng là một tin vui cho các bậc cha mẹ có con nhỏ. Giờ đây, họ có quyền làm việc tại nhà mà không cần phải thu xếp trước với chủ cho đến khi con họ lên tám tuổi.
Các biện pháp giải quyết sự cô đơn cũng được đưa vào quy tắc làm việc từ xa, với việc các công ty dự kiến sẽ tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp ít nhất hai tháng một lần.
Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên thay đổi các quy tắc làm việc từ xa do hậu quả trực tiếp của đại dịch COVID-19 vào tháng Giêng năm nay.
Các quy tắc tạm thời khiến làm việc từ xa trở thành một lựa chọn bắt buộc - với một vài trường hợp ngoại lệ - và buộc người sử dụng lao động phải cung cấp các công cụ cần thiết để nhân viên hoàn thành công việc tại nhà.
Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh xã hội Bồ Đào Nha, Ana Mendes Godinho, nói tại hội nghị Web Summit ở Lisbon tuần trước, thì trong khi làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch mang lại sự linh hoạt mới cho nhiều người, thì các vấn đề như quyền truy cập bất bình đẳng vào thiết bị CNTT cho thấy chính phủ cần phải can thiệp.
"Đại dịch đã thúc đẩy sự cần thiết phải điều chỉnh những gì cần được điều chỉnh", bà nói. "Làm việc từ xa có thể là một 'người thay đổi cuộc chơi' nếu chúng ta thu được lợi nhuận từ những lợi thế và giảm bớt những bất lợi".
Bà Mendes Godinho cũng cho biết việc xây dựng một nền văn hóa làm việc từ xa lành mạnh cũng có thể mang lại những lợi ích khác cho Bồ Đào Nha.
"Chúng tôi coi Bồ Đào Nha là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới để những người du mục kỹ thuật số và những người lao động từ xa chọn làm nơi sinh sống. Chúng tôi muốn thu hút họ đến với Bồ Đào Nha", bà chia sẻ tại sự kiện.
Tham khảo euronews