Tại phiên Họp báo Thường kỳ ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải có những chia sẻ liên quan đến việc tạm ngừng trích quỹ bình ổn xăng dầu để bình ổn giá trong nước và phương án điều hành giá trong thời gian tới, nhất là khi việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường được áp dụng.
Trong kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tạm dừng trích quỹ bình ổn xăng dầu (theo quy định trích 300 đồng//lít) để giữ ổn định giá xăng dầu, đồng thời chi sử dụng quỹ bình ổn.
Như kỳ vừa qua, xăng phải tăng hơn 1.000 đồng/lít nhưng trích quỹ bình ổn, xăng chỉ tăng có gần 700 đồng. Theo ông Hải, đây là lợi ích của quỹ bình ổn xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động.
Thứ trưởng Hải cho rằng nếu không có quỹ này sẽ rất dễ cho nhà điều hành. Khi đó, giá xăng thế giới tăng/giảm bao nhiêu giá xăng trong nước sẽ tương ứng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá xăng dầu ảnh hưởng tới lạm phát kỳ vọng, tức là các mặt hàng không liên quan cũng tăng theo giá xăng. Khi đó, đời sống nhân dân, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng sẽ ảnh hưởng theo.
"Chính vì vậy đến giờ phút này quỹ bình ổn vẫn có tác dụng của nó", ông Hải nhận định.
Về việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Hải cho rằng phải phụ thuộc vào việc quỹ bình ổn xăng dầu còn bao nhiêu.
Từ đầu năm đến nay, Liên Bộ đã có 19 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó 2 lần giảm giá, 6 lần tăng giá và 10 lần giữ ổn định giá. Đến ngày 25/9, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi ra 5.500 tỷ đồng. Quỹ còn 3.100 tỷ đồng tính đến ngày 31/8.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019,thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu tăng kịch trần, mỗi lít xăng bị đẩy giá thêm 1.000 đồng.
“Như vậy vai trò của quỹ bình ổn là rất quan trọng. Muốn tồn tại quỹ thì phải tiếp tục trích quỹ, tuy nhiên, nếu trích quỹ vào đúng thời điểm giá xăng dầu lên cao sẽ rất ảnh hưởng đến xăng dầu tại thị trường trong nước", Thứ trưởng Hải cho biết.
Ông Hải cho rằng đây là vấn đề mà Liên Bộ Tài chính - Công Thương phải bàn bạc rất kỹ, sau đó sẽ báo cáo lên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban điều hành giá quyết định.
Kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào tháng 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.