Bộ Công thương đang "thiết kế" thêm điều kiện kinh doanh mới cho kinh doanh bán lẻ?

Nam Dương |

Yêu cầu siêu thị mở cửa vào ngày lễ, quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại… dường như Bộ Công thương đang làm thay doanh nghiệp.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối. Tuy nhiên, dự thảo này đang được phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định rằng bản chất là Bộ đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới.

VCCI nhấn mạnh, một số quy định không rõ mục tiêu quản lý nhà nước và có nguy cơ biến tướng thành các giấy phép con bất hợp lý.

Đơn cử, ở chương quy định về siêu thị, trung tâm thương mại, điều khoản đầu tiên nêu ra tiêu chuẩn để xác định siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được gọi tên dựa vào tiêu chí nào. Theo đó, Bộ Công thương đề ra một số giới hạn tối thiểu về diện tích, tiêu chuẩn chữa cháy, an ninh, an toàn…

VCCI cho rằng cần phải xem xét lại ở nhiều khía cạnh, ví dụ việc đưa ra những tiêu chí này để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng được được tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào ảnh hưởng? Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau, tương ứng với các loại hàng hóa đó có những văn bản chuyên ngành điều chỉnh tương ứng và các văn bản này đã đủ để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này…

Quy định buộc siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10h – 22h tối cũng được xem là không hợp lý. Bởi điều này được VCCI cho rằng là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi đây là vấn đề thị trường, không cần bàn tay của Nhà nước.

VCCI còn nhấn mạnh quy định này ở một góc độ nào khác cần phải được xem xét lại về định hướng. Ở các nước phương Tây, các siêu thị bị hạn chế mở cửa để tạo không gian cho cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống, nghĩa là vẫn có sự kiểm soát. Nhưng ở Việt Nam, việc kiểm soát này có vẻ chưa thích hợp hoặc chưa cần thiết và còn theo chiều ngược lại.

Mặt khác, Việt Nam thuộc bối cảnh khan hiếm hàng hoá tiêu dùng cũng không diễn ra đến mức bắt buộc phải duy trì các trung tâm thương mại, siêu thị tất cả các ngày. Các địa điểm này không phải chỉ toàn bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, do vậy VCCI đặt câu hỏi về căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm.

Điều khoản khuyến mãi, quảng bá cũng bị đánh giá chưa phù hợp. Dự thảo đã đặt ra một khung cứng với hoạt động khuyến mãi của siêu thị, trung tâm thương mại như: mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền; Mỗi đợt giảm giá phải diễn ra tối thiểu trong 30 ngày, số lượng và ngày diễn ra chương trình phải được thông báo cụ thể tại mỗi quảng cáo…

Phía VCCI cho rằng siêu thị hay trung tâm thương mại không phải hoạt động đặc thù để đi ngược lại hay có chính sách quy định riêng về khuyến mại, trong khi chính sách khuyến mại chung đã có.

Bên cạnh đó, các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này, theo VCCI.

Những phân tích trên đang cho thấy một khả năng nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép con có thể được sản sinh ra nếu không được những người làm luật cân nhắc kỹ. Điều này sẽ đi ngược lại với những hành động mà phía Bộ Công thương đã nỗ lực trong thời gian qua là cắt giảm hàng loạt những thủ tục phiền hà, gây khó khăn cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng hết lời khen ngợi Bộ Công thương trong công cuộc này. Ông nói: "Các bộ khác mới chỉ chạy hết một vòng, nhưng Bộ Công thương đã chạy sang vòng thứ hai rồi".

Tuy nhiên, bên cạnh việc cắt giảm, ông Cung lưu ý về việc chống "tái mọc" giấy phép con. "Chúng ta phải kiểm soát các Luật, Nghị định mới ban hành. Có thể những văn bản phál lý này sẽ đẻ thêm nhiều điều kiện kinh doanh. Cần một sự giám sát chặt chẽ", ông nói và cho biết "nếu mọc thêm thì chỉ những thứ cần thiết và phải lý giải được mục tiêu chính sách".

Hiện với tốc độ cải cách như hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2018 sẽ khó đạt. Ông Cung cho rằng phải đến giữa năm 2019 mới hoàn thành mục tiêu giảm 50% điều kiện kinh doanh hiện hành, theo thống kê của năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại