Nhằm phục vụ điều tra vụ án trục lợi từ các “chuyến bay giải cứu”, Bộ Công an đã có văn bản gửi nhiều địa phương, yêu cầu rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, trong đó có TP Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam...
Công dân Việt Nam về nước từ các "chuyến bay giải cứu"
Liên quan đến lựa chọn khách sạn, resort làm nơi cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ các đơn vị đã nộp để xin làm địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí. Thống kê các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin là địa điểm cách ly.
Về chủ trương xin cách ly, Bộ Công an yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp đơn đăng ký xin chủ trương cách ly để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương trên chuyến bay trả phí. Đồng thời, cung cấp thông tin những doanh nghiệp được cấp và không được cấp, lý do không cấp chủ trương; những doanh nghiệp được cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng yêu cầu cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 Bộ cấp phép thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn, những đơn vị tham gia, cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo.
Vụ án "Chuyến bay giải cứu" được Bộ Công an khởi tố từ ngày 27/1, đến nay đã có 23 người bị bắt, bao gồm các cán bộ và cựu cán bộ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo một số doanh nghiệp... Trong đó, người có chức vụ cao nhất ở thời điểm bị bắt là ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao./.