Không có lệnh hợp pháp, vẫn tạm giam công dân
Văn bản số 13/C01-P3 ngày 27/2 của Văn phòng Cơ quan CSĐT – Bộ Công an cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, về việc kiểm tra xác minh đơn của ông Bùi Mạnh Lân (SN 1957), ông Phạm Văn Hướng (SN 1954) yêu cầu Công an tỉnh Tiền Giang xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng trái pháp luật trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 18/9/2000, tại Công ty gas Bình Dương, đã được Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố ngày 3/4/2003.
Trong đó, khởi tố 5 bị can, sau đó uỷ thác cho Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Tiền Giang điều tra.
Ông Bùi Mạnh Lân (phải) và ông Phạm Văn Hướng (trái), tại Công ty Hưng Thịnh vào chiều 4/3. Ảnh: H.H
Kết quả xác minh: Trong vụ án nêu trên, ông Bùi Mạnh Lân từng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp, từ ngày 7/5/2003 đến ngày 11/6/2003 và từ ngày 27/8/2003 đến ngày 1/9/2003. Tổng cộng là 41 ngày.
Ông Phạm Văn Hướng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp từ ngày 7/5/2003 đến ngày 7/7/2003. Tổng cộng 63 ngày.
Văn bản của Bộ Công an khẳng định: “Hai ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng thuộc trường hợp xem xét giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017”.
Văn phòng Cơ quan CSĐT – Bộ Công an “thay mặt Cơ quan CSĐT – Bộ Công an tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng, về việc 2 ông đã bị giam giữ không có lệnh hợp pháp” – Văn bản trên của Bộ Công an thừa nhận.
Buổi xin lỗi diễn ra lúc 9h ngày 5/3, tại hội trường Công ty Hưng Thịnh, đóng tại Khu công nghiệp Đồng An. Để tổ chức buổi xin lỗi công khai này, Bộ Công an đã mời các đại diện chính quyền, cơ quan liên quan đến tham dự và chứng kiến.
Cụ thể, gồm đại diện: Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Tiền Giang, UBND phường Bình Hoà, UBND phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, UBND phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM…
Hậu vụ án Năm Cam và nỗi đau kéo dài 17 năm
Phát biểu với báo chí vào chiều 4/3, trước khi buổi xin lỗi diễn ra, ông Bùi Mạnh Lân – Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh – nói: “Suốt 17 năm qua, tôi đã kiên trì gửi đơn khiếu nại khắp nơi để đòi công lý, mong được minh oan.
Giờ đây, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan trung ương đã giúp tôi lấy lại danh dự, vốn đã bị vùi dập trong suốt 17 năm qua. Tôi chấp nhận lời xin lỗi.
Tôi không cần bồi thường (vì nếu cơ quan làm sai bồi thường thì cũng lấy từ tiền thuế của dân), cho dù tôi đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, bị đau đớn về thể xác, tinh thần; nhục nhã về uy tín, danh dự trong suốt 17 năm qua, không thể kế xiết.
Tôi yêu cầu phải xử lý nghiêm, theo luật pháp đối với những cá nhân đã vu khống, giam giữ tôi và anh Hướng trái quy định của luật pháp”.
Sau 17 năm, 2 doanh nhân Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau... Ảnh: H.H
Ngày 18/9/2000, tại Công ty gas Bình Dương, thuộc Khu công nghiệp Đồng An 1, đã xảy ra vụ tranh chấp tài sản giữa người nhà của ông Đỗ Cao Bằng (Chủ tịch HĐQT) và người của ông Nguyễn Viết Tạo (Giám đốc Công ty gas Bình Dương).
Khi xảy ra tranh chấp trên, Ban quản lý Khu công nghiệp Đồng An đã kịp thời mời công an địa phương đến lập biên bản, ổn định tình hình, yêu cầu mọi người giải tán, không xảy ra xô xát và gây ra bất kỳ hậu quả nào.
Bất ngờ, 3 năm sau (năm 2003), khi Bộ Công an mở chuyên án Năm Cam (do ông Nguyễn Việt Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSND, làm Trưởng an chuyên án), Bộ Công an đã lật lại vụ tranh chấp tài sản ở Công ty gas Bình Dương, diễn ra ngày 18/9/2000.
Ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hướng (Phó Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, thành viên HĐQT Công ty gas Bình Dương) và một số người khác bị khởi tố hình sự trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty gas Bình Dương.
Và, thật oái oăm, cơ quan điều tra ghép ông Lân và ông Hướng “có quan hệ với nhóm tội phạm Năm Cam” (?).
Tệ hơn, họ còn cho rằng đã “phát hiện” ông Lân và ông Hướng “bán nhà, bán cổ phiếu, bán tài sản, không về nơi cư trú, có dấu hiệu bỏ trốn đi nước ngoài…”; nên cần “cấm xuất cảnh”, “bắt khẩn cấp”…
Hàng chục kg tài liệu, báo chí viết về vụ án vẫn được ông Lân lưu giữ suốt 17 năm qua. Ảnh: H.H
Trên thực tế, những hiện tượng trên đều không có thật, chỉ là sự tưởng tượng không có căn cứ… Tuy nhiên, phía ban chuyên án Năm Cam vẫn ra tay bắt khẩn cấp ông Lân và ông Hướng.
Tổng cộng 3 lần Cơ quan CSĐT – Bộ Công an và Công an Tiền Giang có văn bản đề nghị Viện KSND Tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân và ông Hướng.
Nhưng Viện KSND Tối cao đều từ chối, không phê chuẩn lệnh tạm giam, với lý do “ông Lân không phải là chủ mưu và ông Hướng không phải là đồng phạm”…
Ngày 29/5/2003, ông Nguyễn Việt Thành bút phê gửi Phó Tổng cục trưởng CSĐT phía nam Nguyễn Thế Bình, khẳng định “Nếu Lân và Hướng bị bắt oan thì tôi – Việt Thành, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên”.
Giấy mời của Bộ Công an về buổi xin lỗi công khai 2 doanh nhân tỉnh Bình Dương. Ảnh: H.H
Quá trình điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở Công ty gas Bình Dương, lại xảy ra việc Thiếu tá Nguyễn Văn Nên – nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và Nguyễn Tuyến Dũng – điều tra viên, thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, lợi dụng việc điều tra án, đứng ra “giải quyết” tranh chấp khu đất 23.383 m2 đất giữa vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư – Huỳnh Thị Thu, với Công ty Hưng Thịnh của ông Bùi Mạnh Lân.
Nên và Dũng đã thu giữ của vợ chồng ông Cư, bà Thu số tiền 5,2 tỷ đồng – là tiền trả cho ông Lân. 5 năm sau, vụ việc bị phanh phui, phía ông Nên đổ vấy “5,2 tỷ đồng bỏ quên trong kho tang vật” (?)…
Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng sau đó bị khởi tố hình sự. Hiện Nguyễn Tuyến Dũng đang thụ án 4 năm tù. Còn Nguyễn Văn Nên bị tâm thần phải vào bệnh viện chữa trị nên toà chưa xét xử.