Trong thời gian qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến không đồng tình việc CSGT thường xuyên đứng ở vị trí khuất để bắn tốc độ phương tiện tham gia giao thông. Theo đó việc thi hành công vụ cần phải thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an khẳng định việc CSGT "núp" để bắn tốc độ đối với các phương tiện vi phạm là cần thiết.
Bộ Công an cho hay việc vi phạm tốc độ nếu không được xử lý kịp thời sẽ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, tài xế có nhiều cách đối phó như phát hiện chốt cảnh sát thì giảm tốc độ hay báo cho nhau... Vì thế, việc kết hợp giữa đo tốc độ công khai và bí mật xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.
Theo Thông tư 01/2016/TT- BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2016 thì các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang như sau:
- Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Như vậy khi làm nhiệm vụ thì CSGT có quyền được hóa trang bắn tốc độ nhưng phải đảm bảo các quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA về thẩm quyền quyết định và điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Tuy nhiên, việc hóa trang phải theo kế hoạch từ trước, được Cục trưởng Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định.
Ngoài ra, trưởng phòng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng công an cấp huyện cũng có quyền quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Nội dung của kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải được người có thẩm quyền phê duyệt. Trong kế hoạch nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
Thiếu tướng Trần Thế Quân. Ảnh: Tiền phong.
Cuối năm 2016, trao đổi báo chí, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định: Điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay chưa cho phép Bộ Công an trang bị đồng bộ thiết bị bắn tốc độ hiện đại trên các tuyến đường nên việc CSGT hóa trang, núp lùm cây ghi hình, tránh để người vi phạm tìm mọi cách né tránh, vẫn hết sức cần thiết.
"Chúng ta phải thấy rằng, nếu dùng thiết bị công nghệ hiện đại rộng rãi thì rất tốt nhưng không đủ nên phải dùng thiết bị cầm tay.
Thiết bị cầm tay thì chiến sĩ CSGT phải ở vị trí nào đó mới có thể ghi được hình ảnh của người vi phạm, để họ không trốn tránh, né tránh được.
Hiện nay trên các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc vẫn có lực lượng CSGT tuần tra, xử lý công khai kết hợp với các thiết bị kiểm tra tốc độ tự động lắp đặt ở tuyến đường đó, không phải ẩn nấp.
Tuy nhiên ở nhiều đoạn đường khác thì vẫn phải hóa trang thì mới có bằng chứng xử lý người vi phạm, để người vi phạm không thể tìm cách né tránh được", Thiếu tướng Quân cho ý kiến.
Trước câu hỏi vi phạm tốc độ chủ yếu xuất hiện trên những tuyến đường quốc lộ, cao tốc hiện đại, tại sao Bộ Công an không thực hiện đầu tư, lắp đặt hệ thống đo tốc độ tự động dọc các tuyến đường này? Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp nói:
"Chuẩn bị làm phải có dự án, mà một dự án không thể lắt nhắt. Phải có đường chuyền, đồng bộ thiết bị kiểm soát giao thông, an ninh, nhiều thứ lắm.
Chỉ riêng một đoạn đường nào đó thôi cũng đã rất tốn kém rồi bởi các thiết bị bắn tốc độ tự động đó phải được kết nối với trung tâm dữ liệu và CSGT kiểm soát, xử phạt nữa. Mà điều đó phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Phải có kinh tế mạnh mới làm được, bởi đây không chỉ kiểm soát giao thông mà còn kiểm soát cả an ninh nữa...".
Tổng hợp