Bộ Công an chỉ 'lỗ hổng' sau hàng loạt vụ án thao túng chứng khoán

Hoàng An |

Trước hàng loạt vụ án thao túng thị trường chứng khoán, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư gây bức xúc dự luận, người phát ngôn Bộ Công an chỉ ra nhiều “lỗ hổng”.

6 nguyên nhân dẫn đến thao túng chứng khoán

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra chiều 2/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an , cho biết có 6 nguyên nhân dẫn đến các vụ “Thao túng thị trường chứng khoán ”.

Thứ nhất, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân tự kê khai đăng ký dẫn đến các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi góp vốn khống, hợp thức hóa hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán để lừa đảo , chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Thứ hai, thiếu kiểm soát việc mở tài khoản chứng khoán. Việc mở tài khoản chứng khoán rất dễ dàng, các đối tượng đã nhờ người khác đứng tên nhiều tài khoản, sử dụng nhiều tài khoản mua, bán chứng khoán tạo cung, cầu giả đẩy giá lên cao rồi bán ra thu lợi bất chính.

Thứ ba, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Thứ tư, các quy định quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thực hiện dịch vụ kiểm toán, quy định còn lỏng lẻo.

Thứ năm, thiếu kiểm soát mạng xã hội nên một số đối tượng lợi dụng hội nhóm hô hào, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển, thao túng.

Và thứ sáu, chưa có quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư, thời gian trong giai đoạn chứng khoán bị thao túng.

Bộ Công an chỉ 'lỗ hổng' sau hàng loạt vụ án thao túng chứng khoán- Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết.

Muôn kiểu "bẫy lừa" nhà đầu tư

Minh chứng cho những phát ngôn của Trung tướng Xô là gần đây, hàng loạt vụ án liên quan đến chứng khoán gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và gây bức xúc dư luận đã được cơ quan điều tra triệt phá.

Cụ thể, năm 2020, ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Công Louis Holdings) mua lại hai công ty thua lỗ, có nguy cơ bị huỷ niêm yết mã chứng khoán, rồi đổi tên hai công ty thành Louis Land (mã cổ phiếu BII) và Louis Capital (mã cổ phiếu TGG). Từ đây, ông tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings, bị cáo buộc cùng Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) thao túng giá chứng khoán với 2 mã BII và TGG.

Ông Nhân chỉ đạo thuộc cấp cùng người thân đứng tên đăng ký 17 tài khoản chứng khoán, ký hợp đồng vay vốn với Trí Việt, dùng thao túng hai mã cổ phiếu trên.

Để thu hút thêm nhiều "con mồi", ông Nhân lập nhóm trên mạng xã hội mang tên Louis Family với hơn 10.000 thành viên và thường xuyên đăng bài viết hô hào "lùa gà", để tác động đến các nhà đầu tư, tăng giao dịch với BII và TGG. Sau 9 tháng, một cổ phiếu BII ban đầu được mua giá 1.000-5.000 đồng, đã được đội giá, lập đỉnh 33.800 đồng; cổ phiếu TGG từ mức 1.800-6.000 đồng đã lập đỉnh 74.800 đồng, tức gấp 42 lần giá mua vào. Khi BII và TGG lập đỉnh cũng là lúc nhóm của ông Nhân bán ồ ạt, thu lời chính hơn 154 tỷ đồng.

Trả giá cho hành vi của mình, ông Nhân bị TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) tuyên 5 năm 6 tháng tù vì thao túng thị trường chứng khoán. Đến tháng 1/2024, ông được tòa cấp cao giảm còn 4 năm tù giam.

Ngoài ông Nhân, ngày 24/2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng 50 bị can về các hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Đối với hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán", Cơ quan điều tra xác định, từ 26/5/2017 - 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em ruột Trịnh Thị Minh Huế, cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để Huế thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng để Huế quản lý, sử dụng thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Khi giá cổ phiếu tăng, nhóm này bán thu lợi bất chính trên 723 tỷ đồng.

Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan điều tra cáo buộc từ năm 2014 - 9/2016 , Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros, các Công ty thuộc Tập đoàn FLC; người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, nâng khống hơn 3.102 tỷ đồng vốn góp vào Công ty Faros làm tăng vốn điều lệ của Công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros tại HOSE, rồi bán 391.155.480 cổ phiếu được hình thành từ vốn góp khống nắm giữ tại Faros thu được hơn 4.818 tỷ đồng, trong đó cơ quan điều tra xác định nhóm ông Quyết chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Cũng liên quan đến chứng khoán, Công an TP Hà Nội đang điều tra ông Nguyễn Đỗ Lăng (Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS) có hành vi thao túng các mã cổ phiếu thuộc “họ APEC”.

Ngoài ra, giai đoạn 2020 – 2021, cơ quan tố tụng Hà Nội đã xét xử nhiều vụ thao túng khác, điển hình là tuyên 18 tháng tù bị cáo Phạm Thị Hinh (là Chủ tịch Hội đồng quản trị KSA và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán VSM).

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, qua các vụ án đã triệt phá, cơ quan công an gửi thông điệp đến những người chơi chứng khoán là không nên lợi dụng sơ hở để thao túng thị trường chứng khoán. "Nếu còn cá nhân, tổ chức nào tiếp tục có thủ đoạn thao túng thủ đoạn thị trường chứng khoán, chắc chắn cơ quan điều tra sẽ sớm mời về sinh hoạt trong một không gian hẹp, để thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh", người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại