Bộ Công an cảnh báo việc ký hợp đồng 'Sở hữu kỳ nghỉ du lịch'

Minh Đức |

Theo Bộ Công an, gần đây việc mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" (Timeshare) khá phổ biến tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, một số công ty đã sử dụng nhiều chiêu trò để lừa đảo và lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người dân thông qua việc hứa hẹn quà tặng và ưu đãi.

Bộ Công an cho rằng, "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" là một mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 07 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm, tuỳ thuộc vào thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Mô hình này đã được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, được xem là một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm như chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng các dịch vụ tiện ích miễn phí và có toàn quyền sử dụng và quyết định về gói lưu trú mình sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê... Khi không có nhu cầu sử dụng, đây cũng được coi là một hình thức đầu tư sinh lợi nhuận.

Hiện tại là cao điểm mùa du lịch hè và nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao. Một số doanh nghiệp, chủ đầu tư và tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" đã chủ động liên hệ khách hàng thông qua điện thoại để thông báo chương trình "tri ân khách hàng”.

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân: Nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.

Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Khi tham gia mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro:

Hầu hết hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01 ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

Tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.

Đối với khách hàng đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ để bán lại hưởng lợi nhuận, việc chuyển nhượng thành công kỳ nghỉ cho người khác phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại