'Bộ ba nhiệm vụ bất khả thi' ông Putin phải giải quyết trong nền kinh tế mong manh thời chiến của Nga

Hữu Hiển |

Theo một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga, Tổng thống Putin cần phải duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô của Nga, vốn đang gặp nhiều thách thức bằng các biện pháp phi thường.

Bộ ba nhiệm vụ bất khả thi ông Putin phải giải quyết trong nền kinh tế mong manh thời chiến của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Nền kinh tế Nga dường như đang bùng nổ ngay cả sau 21 tháng kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ.

Nhưng theo Alexandra Prokopenko – cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga (Bank of Russia), ở đằng sau hậu trường, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng giải quyết "bộ ba nhiệm vụ bất khả thi" phức tạp khi nền kinh tế nước này bước vào năm 2024.

Alexandra Prokopenko - cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga - nói với tổ chức tư vấn Carnegie Russia Eurasia Center có trụ sở tại Berlin (Đức) vào tuần trước rằng: "Hiện tại, nền kinh tế [Nga] có vẻ kiên cường. Nhưng dường như Tổng thống Putin điều khiển nó theo cách ông ấy điều khiển chiếc du thuyền của mình, như thể đó là một chiếc tàu phá băng. Nhưng thực tế không phải vậy."

Điều này là do Tổng thống Putin cần giải quyết ba vấn đề chính, Prokopenko - hiện là học giả không thường trú tại Carnegie Russia Eurasia Center - giải thích.

Thứ nhất, nhà lãnh đạo Nga phải tiếp tục chi tiêu cho chiến dịch quân sự ở Ukraine để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nga báo cáo mức tăng trưởng GDP 5,5% trong quý 3 năm nay, đảo ngược mức giảm 3,5% trong cùng kỳ năm ngoái.

Prokopenko nói thêm: "Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay chủ yếu là do chi tiêu cho quân sự, về cơ bản có nghĩa là một khi nhà nước Nga ngừng chi tiêu cho xung đột, tốc độ tăng trưởng sẽ dừng lại hoặc chậm lại đáng kể."

Vì tăng trưởng kinh tế gây ra lạm phát nên ngân hàng trung ương nước này cần giữ lãi suất ở mức cao để hạn chế tình trạng giá cả tăng cao trong thời chiến. Hôm 15/12, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ yếu lên mức 16% trong lần tăng thứ năm liên tiếp.

Prokopenko cho biết, Tổng thống Putin cũng cần bảo đảm thông điệp được chuyển tới người dân Nga rằng "mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch". Ông Putin đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3, khi ông gần như chắc chắn giành được chiến thắng.

Prokopenko nói: "Xung đột này không phải là một cuộc chiến toàn cầu, nhưng nó vẫn là một 'chiến dịch quân sự đặc biệt' và mọi người có thể tiếp tục cuộc sống, kinh doanh như bình thường."

Tổng thống Putin cũng cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô sau khi áp dụng các biện pháp phi thường như kiểm soát vốn và điều chỉnh quy định ngân sách của đất nước để hỗ trợ đồng rúp yếu.

Prokopenko nói: "Việc từ bỏ các cơ chế này có nghĩa là trong tương lai, giới lãnh đạo tài chính Nga, Điện Kremlin và ông Putin sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với những cú sốc trong tương lai."

Theo trang Business Insider, trong khi chính quyền của Tổng thống Putin đang cố gắng duy trì bức tranh màu hồng cho nền kinh tế Nga, số liệu thống kê kinh tế chính thức của nước này gần như không thể xác minh được, và các báo cáo cho thấy phần lớn tăng trưởng của Nga là do chi tiêu quân sự và chi tiêu chính phủ khổng lồ.

Igor Lipsits - nhà kinh tế nổi tiếng của Nga - nói với hãng tin Reuters vào tháng trước rằng, "tình hình thực sự rất tồi tệ" đối với nền kinh tế nước này.

Chuyên gia Prokopenko cũng trích dẫn một tín hiệu định lượng quan trọng cho thấy nền kinh tế Nga không hoàn toàn như những gì nó đang được thổi phồng.

Prokopenko cho biết: "Năm tới, lãi suất chủ yếu sẽ ở mức hai con số. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế không lành mạnh. Nếu bạn có một nền kinh tế lành mạnh và tăng trưởng vừa phải, bền vững, bạn không cần lãi suất chủ yếu hai con số. Bạn không cần số tiền lớn như vậy trong nền kinh tế."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại