Khác xa với cảnh cung điện hoa lệ và những màn đấu đá trong hậu cung trên phim ảnh, cuộc sống của dân thường ngoài Tử Cấm Thành khiến bạn phải chạnh lòng. Có lẽ cũng giống với những nơi khác trên thế giới, người Trung Quốc xưa làm đủ mọi thứ nghề để mưu sinh.
Những bức ảnh cũ vào cuối thời nhà Thanh (Trung Quốc) được công nghệ hiện đại "biến hóa" thêm màu, ghi lại chân thực cuộc sống của người dân lúc bấy giờ. Người lao động, tay chân lúc nào cũng lấm lem, mặt mũi đen đúa. Những cô kỹ nữ với gương mặt sáng sủa, xinh đẹp, và đương nhiên họ kiếm tiền cũng nhờ vào nhan sắc này.
1. Gánh hàng bán mía
Một người đàn ông đang dừng lại bên đường với hai giỏ mía . Có lẽ anh bày hàng chưa được bao lâu vì hai chiếc giỏ vẫn còn đầy mía. Đối diện trước ống kính, anh có phần ngại ngùng, nhưng cuối cùng cũng chịu nở nụ cười với nhiếp ảnh gia.
Trong cuộc sống thường ngày, người Trung Quốc xưa chỉ có thể dùng mía như một món ăn chơi, rất ít người biết cách ép mía làm đường.
2. Ông lão viết thư thuê
Ông lão làm nghề viết thư thuê đang bày sạp bên đường. Có lẽ vì bất ngờ khi ống kính lia vào nên ông khá khó chịu và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Song ông vẫn phải tiếp tục hoàn thành bức thư để kịp giao cho khách.
Nếu như thời nay, hầu như ai cũng biết chữ thì vào thời nhà Thanh, người bình thường không có điều kiện để được đi học, nên tình trạng mù chữ rất phổ biến. Do đó, nghề viết thư thuê rất được trọng vọng và có uy tín.
3. Phu gác cổng thành
Thành thị thời bấy giờ được bao quanh bởi thành trì cao lớn. Người dân muốn ra vào thành phải thông qua một cửa nhất định. Lúc này, phu gác cổng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dòng người ra vào, nếu phát hiện đối tượng khả nghi hoặc giấu giếm đồ cấm phải lập tức bắt giữ ngay.
4. Phu vận chuyển hàng hóa
Thời bấy giờ, nhiều loại hàng hóa chỉ có thể được vận chuyển bằng sức người. Trong hình là đoàn phu xe chuẩn bị xuất phát vận chuyển hàng hóa. Họ sử dụng xe một bánh, người trước kéo xe và điều chỉnh phương hướng, người sau trợ lực và trông coi hàng hóa phòng hờ thất lạc. Nhiều người có điều kiện hơn thì dùng sức kéo của ngựa. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có thể kiếm ra tiền nuôi sống bản thân.
Người đàn ông này cũng là phu khuân vác, nhưng hàng hóa ở đây lại là con người. Thay vì bỏ tiền thuê xe kéo, các kỹ nữ thuê phu khuân vác, ngồi trên vai họ để đến gặp khách hàng. Cách này rất phù hợp với quãng đường ngắn và tiết kiệm.
5. Thợ cắt tóc dạo
Thợ cắt tóc dạo gánh toàn bộ công cụ hành nghề của mình trên vai, đi khắp con đường ngõ hẻm trong thành phố Bắc Kinh. Phía trước đôi quang gánh là lò lửa dùng để nấu nước nóng, phía sau là chiếc ghế đẩu cho khách ngồi. Phát hiện nhiếp ảnh gia chụp mình, người đàn ông cười lên rạng rỡ, không hề sợ chiếc máy ảnh - thứ bị xem là "quái vật có thuật nhiếp hồn".
6. Khu bán cá
Ở một góc chợ trời trong thành phố Bắc Kinh, nhiều "tiểu thương" cùng tụ tập bán mớ cá mới bắt được buổi sáng. Thời đó người ta thường nói vui rằng: "Có thể ăn được cá cũng là một loại hạnh phúc đến không tưởng". Những người bán cá hầu hết là đàn ông, họ đồng loạt nhìn về phía máy ảnh vì khó hiểu không biết nhiếp ảnh gia đang cầm gì trên tay và định làm gì.
7. Kỹ nữ thanh lâu
Mặc dù địa vị của phụ nữ thời nhà Thanh vẫn còn rất thấp nhưng các kỹ nữ thanh lâu dường như sở hữu cuộc sống "vương giả" hơn cả. Họ ít nhiều đều có gương mặt sáng sủa và ăn ảnh, cũng biết cách tạo dáng trước ống kính hơn. Một số bức ảnh với phông nền được bày trí chỉn chu được chụp tại cửa hàng của người phương Tây. Qua đó mới thấy, kỹ nữ thời bấy giờ có tiềm lực kinh tế hơn người bình thường.
Ba người phụ nữ này chính là "Tam đại danh kỹ" thời nhà Thanh. Từ trái qua phải là Tiểu Vinh Hỷ, Tái Kim Hoa và Dương Thúy Hỷ. Trong đó, Dương Thúy Hỷ là kỷ nữ đắt giá nhất Thanh triều, nghe nói phải trả 12 nghìn lượng vàng mới có thể sở hữu được cô.
8. Nghề "ăn trộm"
Trộm cắp thì thời nào cũng có, nhưng tên trộm thời nhà Thanh phải chịu cảnh "gông đầu xích chân" khổ sở khi bị bắt. Trong ảnh chính là một thanh niên trẻ tuổi hành nghề trộm cắp đường phố đã bị bắt trói trước một cửa tiệm.
9. Nhân viên bưu chính
Vào cuối triều đại nhà Thanh, chính quyền đã thành lập hệ thống bưu điện dựa trên mô hình phương Tây. Bức ảnh này được chụp trước một bưu điện mới mở ở Bắc Kinh. Quản lý và nhân viên đứng ở hai bên bậc thang, họ ăn mặc chỉn chu và có đồng phục hẳn hoi.
10. Nghề "khất cái"
Người đàn ông gánh đôi sọt tre, ngồi lọt thỏm ở sọt phía trước là đứa con thơ, sọt phía sau là tất cả đồ đạc mà ông có. Trong ảnh, ông đưa một chiếc rỗ nhỏ về phía trước, hy vọng người trước mặt có thể cho ông vài đồng. "Khất cái" là từ chỉ nhóm người ăn xin thời bấy giờ.