Bloomberg: Virus Corona có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD

Hoài Nguyễn |

Ảnh hưởng của virus Corona lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS - ước tính khoảng 40 tỷ USD hồi năm 2003.

Ở New Zealand, một người bán đồ nội thất phòng tắm nói với một khách hàng rằng đầu vòi hoa sen do Đức thiết kế mà anh đặt mua đã hết vì nhà máy sản xuất ở Thượng Hải đóng cửa. Các giám đốc điều hành Tập đoàn REC tại California đã phải tổ chức họp khẩn để lên kế hoạch ứng phó với vấn đề chuỗi cung ứng xung quanh tình trạng thiếu xe tải và “vỡ bến” cảng biển ở Trung Quốc. Tại Trung Đông, Ả Rập Xê Út đang nỗ lực tổ chức một cuộc họp khẩn của OPEC về lo ngại cầu dầu sẽ giảm.

Kể từ năm 2003 - thời điểm dịch SARS bùng phát tại Trung Quốc - tỷ trọng sản lượng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, lên khoảng 17%. Trung Quốc bây giờ là thị trường lớn nhất của xe hơi và chất bán dẫn, nhà chi tiêu lớn nhất cho du lịch quốc tế, nhà xuất khẩu hàng may mặc và dệt may hàng đầu, và là quốc gia sản xuất nhiều PC và hầu như tất cả iPhone. Theo ước tính, ảnh hưởng của đại dịch virus corona lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp ba đến bốn lần so với 40 tỷ USD từ SARS, theo ước tính của Warwick McKibbin, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Úc.

Cho đến nay, Trung Quốc chính là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ virus corona (còn được gọi là 2019-nCoV). Nó đã giết chết hơn 300 người tại Trung Quốc và lây nhiễm cho hơn 14.000 người (số liệu cập nhật đến 1/2/2020) ở Trung Quốc. Vũ Hán, thành phố có tới 11 triệu cư dân và là nơi phát tán virus corona, đang bị cô lập với thế giới. Theo lệnh kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt buộc của chính phủ, các tỉnh tạo ra ít nhất hai phần ba sản lượng kinh tế của quốc gia này sẽ bị đóng cửa trong tuần tới, bao gồm Thượng Hải và các trung tâm sản xuất chính ở miền đông.

Trong khi đó, số lượng người chết do virus corona vẫn tiếp tục tăng - và mang theo sự lo lắng cho những người ở lại. Vai trò thiết yếu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho các chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành trên toàn thế giới đang phải đau đầu nếu cuộc khủng hoảng này tiếp tục kéo dài.

“Tất cả mọi người đều đang chờ đợi để xem cuộc khủng hoảng này sẽ diễn biến như thế nào” - Miguel Patricio, CEO của Kraft Heinz Co. Tập đoàn thực phẩm và đồ uống giải khát lớn thứ năm trên thế giới này hiện đang có vài nghìn nhân viên ở Trung Quốc, bao gồm một nhóm nhỏ các nhân viên kinh doanh ở thành phố Vũ Hán. “Tất nhiên, điều nguy hiểm là nếu việc này tiếp diễn và mọi người phải ở nhà, thì bạn sẽ bắt đầu gặp phải các vấn đề về phân phối, sản xuất.”

Bốn tháng trước, Levi Strauss & Co. đã mở cửa một flagship store ở Vũ Hán - thành phố vẫn thường được gọi là Chicago hay Detroit của Trung Quốc. Rộng hơn 7.500 feet vuông (697 mét vuông), cửa hàng này lớn gấp đôi so với bất kỳ cửa hàng nhượng quyền Levi nào khác ở Trung Quốc.

Hiện nay, giống như hầu hết mọi chỗ khác trong thành phố, cửa hàng này cũng đóng cửa. Một “quân bài” trong chiến lược tăng trưởng của Levi trong khu vực tạm thời bị đình trệ, theo chân hàng ngàn tập đoàn quốc tế, tập đoàn Trung Quốc và doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng từ những làn sóng tác động kinh tế đầu tiên từ virus corona.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nhân viên, và nếu tình hình không tự khắc phục nhanh chóng, có lẽ chúng tôi sẽ đóng cửa một thời gian” - Ông Levi Harmit J Singh, Giám đốc Tài chính Levi nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Các công ty quốc tế đã đổ bộ hàng loạt vào Trung Quốc, mở các quầy Estée Lauder, cửa hàng Canada Goose và các showroom Rolls-Royce ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong những năm gần đây, họ chuyển đến các thành phố hạng hai và ba có dân số phình to trong quá trình đô thị hóa hàng loạt.

Các công ty có hoạt động sản xuất và kinh doanh liên quan nhiều với Trung Quốc, từ Starbucks Corp đến Tesla Inc., vẫn chưa công bố dự đoán của mình trong tuần này về mức độ ảnh hưởng của virus đến đường cầu của họ như thế nào. Apple Inc. và Microsoft Corp đã đưa ra phạm vi dự báo rộng hơn bình thường trong quý này trong bối cảnh chưa chắc chắn về tác động của virus.

Làn sóng tác động kinh tế đầu tiên từ virus corona đến vào một thời điểm nhạy cảm. Các công ty phương Tây đã biến dịp Tết Nguyên Đán cuối tháng 1 trở thành một mùa cao điểm mua sắm và là thời điểm quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Năm nay, điều đó hoàn toàn ngược lại, mức tăng trưởng tiêu dùng trong quý đầu tiên sẽ chậm hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng 5,5% được ghi nhận trong những tháng cuối năm 2019 ở Trung Quốc, theo Bloomberg Economics.

Rất dễ để quan sát thấy các làn sóng tác động kinh tế này. Starbucks đã đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc - một nửa số cửa hàng của Starbucks tại Trung Quốc. McDonald Corp. đã đóng cửa hàng trăm nhà hàng. Một số cửa hàng Walmart Inc. đang hết hàng. Walt Disney Co. đóng cửa công viên giải trí ở Thượng Hải và Hồng Kông. Hoa Kỳ và Nhật Bản khuyến nghị công dân của mình tránh đi du lịch đến Trung Quốc, các hãng hàng không đã dừng các chuyến bay đến nước này - không phải vì sợ lây bệnh, mà là do thiếu hành khách.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence (ngày 29/1): “Với việc Trung Quốc chiếm khoảng 21% chi tiêu phần cứng CNTT toàn cầu, dịch bệnh bùng phát cũng sẽ ảnh hưởng trên phạm vi rộng đối với ngành công nghệ”. Nhiều trong số các nhà sản xuất PC và nhà cung cấp linh kiện lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc, và nếu có một sự sụt giảm doanh số, điều đó sẽ hạn chế nhu cầu đối với phần mềm hệ điều hành Windows của Microsoft.

Apple có khoảng 10.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc và chuỗi cung ứng của họ có vài triệu công nhân sản xuất các sản phẩm như iPad, iPhone và Apple Watch. Công ty có trụ sở tại Cupertino, California này đã chuẩn bị cho các kịch bản cực đoan như virus corona bằng cách bắt buộc các linh kiện chính phải có “nguồn kép” - về cả nhà cung cấp lẫn khu vực địa lý. Mặc dù vậy, hầu hết các công việc lắp ráp của Apple đều được thực hiện ở Trung Quốc, và do đó, việc thiếu công nhân cho các dây chuyền lắp ráp sẽ có tác động trực tiếp đến số lượng lô hàng của Apple.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại