Nguồn tin thân cận tiết lộ với Bloomberg, Bắc Kinh mới đây đã yêu cầu 2 trong số công ty tài chính lớn nhất nước này kiểm tra tài liệu sổ sách của Zhongrong International Trust Co. Hãng tin cho hay, động thái này có thể “mở đường” cho những đợt “giải cứu” của giới chức Trung Quốc đối với các tổ chức tài chính “ngầm” đang gặp khó khăn.
Cụ thể, Citic Trust Co., công ty thuộc tập đoàn Citic Group Corp., và CCB Trust Co., được hậu thuẫn bởi Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCBC), sẽ dẫn đầu nỗ lực ổn định hoạt động tại Zhongrong.
Nguồn tin cho biết, hiện vẫn chưa rõ chi tiết các công ty này sẽ can thiệp như thế nào. Năm 2021, sau khi Citic thực hiện cuộc kiểm tra tương tự với công ty quản lý tài sản Huarong, gói giải cứu 6,6 tỷ USD đã được tung ra.
Kế hoạch lần này thể hiện rõ mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đối với ngành quỹ tín thác trị giá 2,9 nghìn tỷ USD đối với sự ổn định tài chính của nước này. Những rắc rối trong ngành xảy ra đúng thời điểm kinh tế Trung Quốc giảm tốc và lĩnh vực bất động sản vẫn đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu khác cho thấy Bắc Kinh đang thông qua các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và kiểm soát rủi ro.
Cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh lớn của nước này đều sụt giảm ở phiên 30/8, sau khi Bloomberg đưa tin lãi suất thế chấp và các khoản vay sẽ sớm được cắt giảm.
Zhongrong và công ty có mối liên hệ chặt chẽ là Zhongzhi Enterprise Group Co. đã khiến thị trường Trung Quốc chao đảo hồi đầu tháng này, sau khi thông báo trễ hạn thanh toán đối với nhiều sản phẩm đầu tư, vốn được bán cho cả các cá nhân và doanh nghiệp giàu có.
Trước khi những vấn đề của Zhongrong và Zhongzhi được truyền thông đưa tin, Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NAFR) đã thành lập một nhóm giám sát vào tháng 7 để kiểm soát các mối rủi ro ở Zhongrong. Nguồn thạo tin cho biết, gần 1 nửa số tiền huy động được ở Zhongrong được chuyển cho công ty mẹ hoặc đơn vị liên kết.
Dù ngành tín thác của Trung Quốc đã chịu cảnh thua lỗ trong nhiều năm, nhưng Zhongzhi có thể sẽ là mối thách thức lớn nhất. Công ty tư nhân này quản lý hơn 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD) tài sản. Mối liên hệ của họ với các nhà đầu tư, nhà phát triển giàu có đang làm dấy lên mối lo ngại rằng những rắc rối có thể lan rộng khắp ngành tài chính.
Tại Trung Quốc, ngành này được coi là nguồn vay thay thế quan trọng cho những người đi vay không đủ điều kiện để tiếp cận các ngân hàng lớn hay các phương tiện cấp vốn của chính quyền địa phương. Các quỹ tín thác “gom” tiền từ khách hàng và đầu tư vào nhiều kênh, dự án khác nhau.
Goldman Sachs ước tính, lĩnh vực này có thể phải đối mặt với khoản lỗ tương đương 38 tỷ USD.
Trong khi đó, các sản phẩm đầu tư liên quan đến bất động sản chiếm hơn 70% số vụ vỡ nợ ở Trung Quốc trong những quý gần đây. các nhà phát triển nước này vẫn chưa thể hồi phục trong bối cảnh suy thoái, chật vật để trả nợ trong khi doanh số bán nhà và giá nhà sụt giảm.
Trước đó, Bắc Kinh đã thực hiện một số đợt giải cứu ngành tín thác. Năm 2020, chính phủ đã tham gia vào kế hoạch tái cơ cấu của Anxin Trust Co. để tránh gây rủi ro hệ thống. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng kiểm soát New Times Trust Co. và New China Trust Co., cùng 7 công ty tài chính khác có liên kết với Tomorrow Group.
Cuối năm đó, cơ quan quản lý cũng tiếp quản Sichuan Trust Co. nhằm duy trì sự ổn định tài chính và xã hội. Công ty này khi đó mất khả năng thanh toán với ít nhất 40 triệu NDT các sản phẩm, khiến hàng trăm nhà đầu tư kéo đến trụ sở để đòi tiền.
Bất chấp những nỗ lực giải cứu, New China Trust đã tuyên bố phá sản trong năm nay.
Các công ty tín thác của Trung Quốc cho đến nay vẫn phải thanh toán hàng tỷ NDT cho các nhà đầu tư. Chỉ riêng Zhongrong đã có 270 sản phẩm với tổng giá trị 39,5 tỷ NDT trong năm nay, theo dữ liệu của Use Trust. Hiện tại, Citi Trust quản lý khối tài sản 1,5 nghìn tỷ NDT, CCB Trust giám sát khoảng 1,4 nghìn tỷ NDT.