Đối với nhiều nền kinh tế, chưa giàu đã già là một thảm họa. Thật không may, Thái Lan lại đang có khả năng trở thành nước đầu tiên trên thế giới lâm vào tình trạng như vậy.
Số liệu mới công bố của Liên Hiệp Quốc cho thấy tỷ lệ sinh của Thái Lan đã giảm xuống ngang bằng với các nước phát triển như Thụy Sĩ hay Phần Lan. Điều trớ trêu là trong khi 2 nước này đều có thu nhập bình quân đầu người cực cao thì Thái Lan lại chỉ là một nền kinh tế đang phát triển và chẳng có nhiều điểm chung.
Báo cáo mới cho thấy hơn ¼ dân số Thái Lan sẽ qua tuổi 60 vào năm 2030 và phần lớn trong số họ đều là người nghèo. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo việc suy giảm lực lượng lao động sẽ ngăn chặn đà tăng trưởng của Thái Lan khoảng 1 điểm phần trăm hàng năm trong 20 năm tới.
Thái Lan nghèo hơn nhiều so với Thụy Sĩ hay Phần Lan (nghìn USD/người), nhưng tỷ lệ sinh lại gần tương đương (trẻ/phụ nữ)
Điều thú vị là tốc độ lão hóa nhanh mới chỉ xuất hiện ở những nền kinh tế phát triển như Nhật Bản hay các nước Phương Tây. Trong khi đó những nền kinh tế lớn như Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng lâm vào tình trạng đáng báo động nhưng chưa thể so sánh với Thái Lan, một quốc gia không giàu bằng.
Từ trước đến nay, các chuyên gia thường tập trung vào Trung Quốc khi chính sách một con tồn tại đến năm 2015 của nền kinh tế thứ 2 thế giới này đang vắt kiệt thị trường lao động trẻ. Dẫu vậy Thái Lan đã làm nhiều người bất ngờ khi mới là ứng cử viên hàng đầu cho chức danh "nước chưa giàu đã già".
Cách đây nhiều năm, các chuyên gia kinh tế thường cho rằng sự quá tải dân số là mối lo ngại của nền kinh tế và ổn định xã hội. Tuy nhiên 50 năm trở lại đây, sự sụt giảm tỷ lệ sinh đã khiến mọi thứ thay đổi.
Quá trình đô thị hóa, tiêu chuẩn sống tăng cao, phụ nữ được giáo dục tốt hơn với nhiều cơ hội sự nghiệp hơn đã khiến số trẻ sơ sinh mới ra đời ngày càng giảm.
Mặc dù sinh đẻ có kế hoạch là có lợi với các gia đình cũng như môi trường tự nhiên nhưng chúng cũng đem lại hậu quả nhất định. Đó là ít người tiêu dùng trong tương lai hơn, ít lao động trẻ hơn, lượng thuế thu giảm và gánh nặng lớp trẻ tăng do người già quá đông so với họ.
Quay trở lại câu chuyện Thái Lan, kể từ năm 2000 quốc gia này đã có tốc độ đô thị hóa nhanh hơn bất kỳ nước nào ngoại trừ Trung Quốc, qua đó khiến tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng cội nguồn nguyên nhân bắt đầu từ thập niên 1970 khi kết cấu gia đình tại Thái Lan trở nên nhỏ hơn do chiến dịch chống đói nghèo bằng kế hoạch hóa gia đình.
Với những lý do trên, chỉ trong vòng 20 năm tỷ lệ sinh của Thái Lan đã giảm từ 6,6 trẻ/phụ nữ xuống chỉ còn 2,2 trẻ/phụ nữ. Đến hiện tại, con số này chỉ còn 1,5 trẻ/phụ nữ, thấp hơn cả mức 1,7 trẻ/phụ nữ của Trung Quốc và mức tiêu chuẩn 2,2 trẻ/phụ nữ để duy trì ổn định kinh tế.
Theo Liên Hiệp Quốc, Thái Lan hiện là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và điều này sẽ khiến nền kinh tế 70 triệu người mất khoảng 1/3 dân số từ nay đến cuối thập kỷ.
Thái Lan là một trong những nước giảm dân số mạnh nhất từ nay đến năm 2100
Chuyên gia nhân khẩu học Shripad Tuljapurkar của trường đại học Stanford University nhận định Thái Lan không còn nhiều thời gian để sửa chữa thách thức nguy hiểm này. Trong khi chính quyền Bangkok phải thúc đẩy năng suất thì họ vẫn phải chăm lo cho lượng người già ngày một tăng, vốn sẽ thực sự bùng nổ vào giữa thập niên 2030.
"Nếu họ thất bại thì mọi thứ sẽ trở nên khá tệ", chuyên gia Tuljapurkar cho biết.
Điều đáng ngại hiện nay là Thái Lan vẫn còn bất ổn chính trị. Chính phủ mới hiện không đủ khả năng để lo được đến những vấn đề như lão hóa dân số. Thúc đẩy sinh để sẽ liên quan đến hàng loạt hệ lụy như tăng thu nhập, giảm chi phí nuôi con, trợ cấp của nhà nước, y tế…
Một giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị hiện nay là nhập khẩu lao động, động thái mà những nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc đang làm. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn xã hội sẽ tăng nếu có sự xung đột giữa lao động địa phương và người nhập cư.
Hiện người nước ngoài chiếm 10% tổng lực lượng lao động tại Thái Lan nhưng phần lớn là người Phương Tây làm cho các tập đoàn quốc gia.
Tình hình hiện nay tại Thái Lan không sáng sủa cho lắm khi tăng trưởng hàng năm đã giảm liên tục kể từ thập niên 1990, từ 5,3% xuống 4,3% rồi lại xuống chỉ hơn 3% như hiện nay. Trong quý I/2019, kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 2,8%, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua.
Tỷ lệ lạm phát tại Thái Lan hiện dưới 1%, lãi suất dưới 2% còn đồng nội tệ thì đang mất giá. Thông tin về tốc độ lão hóa của Liên Hiệp Quốc mới đây càng làm cho nhà đầu tư vào thị trường này lo lắng hơn.
Tại Thái Lan, sinh đẻ thêm con là điều khá khó khăn vì thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 6.362 USD/người, thấp hơn rất nhiều so với Thụy Sĩ (78.816 USD/người) hay Phần Lan (48.580 USD/người).
Lao động Thái Lan sẽ giảm mạnh trong khi người già lại tăng (triệu người)
Theo Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI), chi phí cho chăm sóc sức khỏe, ví dụ như sinh đẻ đã tăng bình quân 12%/năm trong 12 năm qua và hiện là quốc gia đắt nhất Đông Nam Á về chi phí y tế. Tệ hơn, khảo sát 54 nước của Allianz SE cho thấy Thái Lan đứng cuối bảng về chất lượng hưu trí, an sinh xã hội.
Thậm chí, ủy viên ngân hàng trung ương Thái Lan Somchai Jitsuchon cho biết quỹ hưu trí, an sinh xã hội của nước này có thể cạn kiệt trong vòng 15 năm tới nếu không có sự cải cách.
"Chúng tôi cần thêm nguồn thu", ông Jitsuchon ngậm ngùi nói.