Sau nhiều lần kiểm tra, xem xét giấy tờ và điều trần, Bộ Tài chính Trung Quốc khẳng định Deloitte đã có “những thiếu sót nghiêm trọng trong kiển toán” ở Huarong từ năm 2014-2019. Vì những lỗi đó, công ty này lĩnh án phạt 212 triệu nhân dân tệ (30,8 triệu USD), gấp hơn 25 lần tổng mức án phạt mà Bộ Tài chính Trung Quốc áp dụng với các công ty kiểm toán trong năm ngoái
Theo đó, Deloitte đã không đánh giá đúng tình trạng tài sản của Huarong, bỏ qua yêu cầu phê duyệt đối với các khoản đầu tư lớn và không áp dụng thái độ “hoài nghi” trong quá trình kiểm toán với doanh nghiệp. Trong khi đó, Huarong đã không thể kiểm soát được rủi ro đồng thời cố tình làm sai lệch sổ sách nhưng Deloitte đã bỏ sót.
Trong tuyến bố ngày 17/3, Deloitte Trung Quốc cho biết Bộ Tài chính không khẳng định chi nhánh Bắc Kinh hay bất cứ chi nhánh nào khác của họ đã làm sai. “Chúng tôi đã hợp tác đầy đủ với Bộ Tài chính trong suốt quá trình thanh tra. Chúng tôi tôn trọng và chấp nhận quyết định xử phạt. Chúng tôi lấy làm tiếc về vấn đề này”, đại diện Deloitte Trung Quốc cho biết.
Năm 2021, Huarong gây náo động thị trường tín dụng Trung Quốc khi không công bố báo cáo thường niên đúng hạn. Sau đó, doanh nghiệp này phải tiết lộ khoản lỗ lớn trong năm 2020. Chính phủ Trung Quốc đã dàn xếp khoản cứu trợ 6,6 tỷ USD cho Huarong.
Quyết định xử phạt với Deloitte được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang hạn chế ảnh hưởng từ các công ty kiểm toán toàn cầu, có liên kết với Mỹ, với các doanh nghiệp nước này. Các nguồn thạo tin cho biết điều này không chỉ giúp củng cố năng lực của các doanh nghiệp kiểm toán địa phương mà còn giúp Trung Quốc đảm bảo an ninh dữ liệu mà họ cho là quan trọng.
Với Deloitte, đây là khoản phạt khổng lồ thứ 2 mà họ phải nhận trong chưa đầy 12 tháng qua vì các hoạt động tại Trung Quốc. Hồi tháng 9 năm ngoái, công ty này đã đồng ý trả 20 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) vì bị cáo buộc vi phạm quy tắc kiểm toán.
Deloitte Trung Quốc không thừa nhận nhưng cũng chẳng phủ nhận cáo buộc của SEC. Trong tuyên bố của mình, Deloitte cho biết họ tự báo cáo những thiếu sót và SEC đã thừa nhận sự hợp tác cùng nỗ lực khắc phục hậu quả của công ty.
Khách hàng của Deloitte tại Trung Quốc có nhiều tên tuổi lớn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc hay gã khổng lồ viễn thông China United Network Communications Ltd. Deloitte có 20.000 chuyên gia tại 30 thành phố của Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính, tư vấn rủi ro….
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết 4 công ty kiểm toán lớn nhất, thường được gọi là Big Four, đã thu được 20,6 tỷ tệ từ các khách hàng Trung Quốc vào năm 2021. Doanh thu của Deloitte ở Trung Quốc là 4,2 tỷ tệ.
Trong khi đó, Huarong là một trong 4 công ty quản lý tài sản được thành lập sau cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 để mua lại các khoản nợ xấu từ các Ngân hàng Trung Quốc cũng như cung cấp thêm một biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã mở rộng hoạt động, tạo ra một mê cung các công ty con tham gia vào các hoạt động kinh doanh tài chính khác và vay hàng tỷ USD từ thị trường trái phiếu.
Tham khảo: Bloomberg