Bloomberg, CNBC: Phát thải cao nhất Đông Nam Á, nỗ lực tái cơ cấu năng lượng của Việt Nam ra sao?

Hoàng An |

Theo báo cáo mới "Đài quan sát Thị trường năng lượng thế giới" của Capgemini, khu vực Đông Nam Á chứng kiến ​​lượng khí thải tăng vọt, dẫn đầu là Việt Nam và Philippines.

Bloomberg đưa tin, theo báo cáo mới "Đài quan sát Thị trường năng lượng thế giới" của Capgemini, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn nhất về phát thải khí nhà kính vào năm ngoái do mức tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch bùng nổ chi phối, đặt mục tiêu khí hậu toàn cầu vào rủi ro.

Lượng phát thải đã tăng 6,3% ở Ấn Độ, tăng 3,4% ở Hoa Kỳ và 2,3% ở Trung Quốc, Capgemini cho biết trong báo cáo.

Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến ​​lượng khí thải tăng vọt, dẫn đầu là Việt Nam và Philippines. Đông Nam Á từ lâu đã bị chỉ trích vì tụt hậu trong nỗ lực thích nghi với những giải pháp bền vững hơn, vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tiêu thụ than.

Bloomberg, CNBC: Phát thải cao nhất Đông Nam Á, nỗ lực tái cơ cấu năng lượng của Việt Nam ra sao? - Ảnh 1.

"Các số liệu báo cáo sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới", Philippe Vié, người đứng đầu vấn đề toàn cầu về năng lượng và tiện ích tại Capgemini. Với việc nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng chủ yếu vẫn được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch, các mục tiêu của Hiệp định Paris về môi trường đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Trước tình hình đó, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nguồn năng lượng bằng cách triển khai năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời và điện gió.

"Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng sản lượng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo lên khoảng 23% vào năm 2030", theo Andreas Cremer, giám đốc năng lượng và cơ sở hạ tầng cho châu Âu, Trung Đông và châu Á tại công ty đầu tư DEG của Đức.

Trích dẫn từ Tập đoàn Hợp tác Quốc tế Đức, một cơ quan phát triển, ông Cremer nhấn mạnh rằng trong tương lai, 10,7% hỗn hợp năng lượng Việt Nam sẽ là từ năng lượng tái tạo và 12,4% sẽ là từ thủy điện.

"Kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam đang phát triển liên tục", ông Cremer nói với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng sạch châu Á tuần trước. "Điều đó thực sự ấn tượng nếu bạn nhận ra rằng họ đã thay đổi kế hoạch phát triển năng lượng của họ từ năm 2016 và về cơ bản là đầu năm nay, họ không thay đổi thêm gì cả".

Ông cũng cho biết, Việt Nam đã có thể sử dụng hơn 4 gigawatt công suất năng lượng tái tạo vào tháng 6 - và chiếm khoảng 8,28% nguồn cung cấp điện của Việt Nam, theo EVN.

"Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một thành tích khá", ông nói thêm.

Công ty tư vấn năng lượng toàn cầu, Wood Mackenzie, cho biết Việt Nam hiện là nước dẫn đầu trong thị trường điện mặt trời (PV) của Đông Nam Á với công suất lắp đặt lớn nhất trong khu vực. Trong một báo cáo phát hành vào tháng 10, Wood Mackenzie cho biết lắp đặt năng lượng mặt trời tích lũy của Việt Nam sẽ đạt 5,5 gigawatt trong năm nay - chiếm khoảng 44% tổng công suất của Đông Nam Á. Trước đó, Việt Nam chỉ sản xuất 134 megawatt - hay 0,125 gigawatt - trong năm 2018.

Mức tăng khí thải nhà kính là 2% trên toàn cầu vào năm 2018, tăng so với mức 1,6% của năm 2017 - cho thấy những nỗ lực kiềm chế khí nhà kính - nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu - đang bị đình trệ.

Ông Cremer cho biết không có khả năng các quốc gia sẽ thay thế hoàn toàn điện than. Đây là điều không thực tế đối với những công ty này để cắt than và hoàn toàn dựa vào năng lượng tái tạo, ông nói. Tuy nhiên, xu hướng là các nhà hoạch định chính sách và các công ty sẽ cố gắng thay thế than bằng năng lượng tái tạo để tăng trưởng kinh tế.

"Các nền kinh tế sẽ cần điện để phát triển hiệu quả", theo ông Cremer khẳng định, "đặc biệt là khi người dân tiếp tục di cư vào các khu vực đô thị, như các thành phố lớn như Jakarta, Bangkok và TP.HCM".

Bloomberg, CNBC: Phát thải cao nhất Đông Nam Á, nỗ lực tái cơ cấu năng lượng của Việt Nam ra sao? - Ảnh 3.

"Những người sống ở đó rõ ràng đòi hỏi chất lượng không khí tốt hơn. Vì thế chúng ta đang chứng kiến ​​sự thúc đẩy của họ cho năng lượng tái tạo", ông nói thêm.

Chi phí sản xuất điện gió cũng giảm trong những năm gần đây, khiến giá của nó gần như tương đương với điện than. Điều đó tạo ra cơ hội cho các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách cũng như khu vực tư nhân đầu tư vào các lựa chọn năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á.

Wood Mackenzie cho biết trong báo cáo của mình rằng mặc dù toàn bộ khu vực Đông Nam Á vẫn là một khu vực mới nổi trong lắp đặt pin mặt trời, công suất pin mặt trời tích lũy của khu vực này dự kiến ​​sẽ đạt 12,6 gigawatt trong năm nay và tăng gần gấp ba lên 35,8 gigawatt vào năm 2024.

Năng lượng mặt trời quy mô lớn sẽ chi phối công suất lắp đặt trong 5 năm tới, và Wood Mackenzie kỳ vọng năng lượng mặt trời quy mô nhỏ sẽ chiếm 32% công suất bổ sung vào năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại