Đi qua biển hiệu có chữ B treo trước căn nhà số 74 Bùi Viện, bạn nghĩ lại là một hình thức quảng cáo vô thưởng vô phạt của một quán cà phê nào đó. Nhưng đối với những ai hiểu chuyện, đây là biểu tượng khá thú vị, biểu tượng của tương lai.
Hoạt động trao đổi này được ghi lại trong một cuốn sổ cái công cộng (public ledger) gọi là blockchain.
Đây cũng là nơi các thợ mỏ “đào” bitcoin và đưa những đồng bitcoin mới vào lưu thông. Từ khi thành lập đến nay, giá trị bitcoin liên tục tăng vọt. Tháng 6/2009 một bitcoin được định giá ở mức 0,0001 USD trong khi hiện tại đã hơn 2.000 USD.
Máy ATM bitcoin đầu tiên tại Việt Nam
Theo blogger Thomas Barrett, B Coffee sở hữu chiếc máy ATM bitcoin đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là chiếc máy duy nhất hoạt động suốt 24/24 giờ.
Với chiếc máy này, khách hàng cho tiền giấy vào để đổi lấy tiền điện tử bitcoin trong ví điện tử của mình, sau đó có thể mua bán hàng hóa dịch vụ như bất kỳ loại tiền tệ nào.
Dĩ nhiên ở B Coffee, khách hàng có thể dùng bitcoin để mua bia hay cà phê. Danny Uvdmnte, người sở hữu B Coffee, tin rằng bitcoin không chỉ đơn giản là một sản phẩm mới.
“Tiền điện tử đang tạo nên những xáo trộn. 20 năm trước khi Internet xuất hiện, mọi người không biết họ có thể làm gì với Internet, nhưng rồi họ dần dần hiểu ra và hiện giờ không thể sống thiếu nó. Cuộc sống của họ xoay quanh Internet. Tôi cảm thấy bitcoin cũng sẽ như vậy. Cuộc sống của tôi cũng đang xoay quanh bitcoin”.
Chia sẻ lý do đặt máy ATM tại phố tây Bùi Viện, Danny cho biết ngày càng có nhiều khách du lịch nước ngoài sử dụng bitcoin như phương tiện giao dịch để tránh những khoản phí đắt đó nếu phải đổi tiền giấy hay biến động tỷ giá.
Danny khẳng định không chỉ những vị khách này được lợi từ bitcoin mà có khả năng, cuộc sống của nhiều người Việt cũng đã có bước biến đổi quan trọng.
“Một phụ nữ người Việt đã từng bỏ 68.000 USD để mua bitcoin từ tôi”, Danny nhớ lại. “Lý do ư? Cô ấy muốn giữ một phần số tiền tiết kiệm bằng bitcoin. Thời điểm cô ấy mua vào chỉ khoảng 1.000 USD/bitcoin và giờ chắc người này đang tận hưởng trái ngọt”.
Danny cho biết thêm 8 hay 9 năm trước đây, mọi người hầu như không biết gì về bitcoin. 4 năm trước đây, một số người biết đến loại tiền này, đa số thì không; họ thường liên tưởng bitcoin với giới hacker hoặc ma túy.
Nhưng gần đây, nhiều sàn giao dịch bitcoin đã mọc lên. Thái độ của mọi người với bitcoin đang thay đổi.
Xã hội không tiền mặt
Ngoài việc được đánh giá là một hạng mục đầu tư tiềm năng, bitcoin có thể mở ra hướng mới cho ngành công nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tiếp cận những khu vực không có phương tiện thanh toán rõ ràng. Ở dạng bitcoin, giá hàng hóa Việt Nam cũng giống giá hàng hóa ở Anh hay Australia.
"Một khi mọi người chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, bất cứ mặt hàng nào, từ cà phê đến thủ công mỹ nghệ đều có thể bán qua biên giới. Việc này tốt hơn cho người dân”, Danny cho biết.
Nhưng với các chính phủ thì sao? Làm thế nào để đối phó với một hệ thống mà vai trò của họ bị “phớt lờ” hoàn toàn?
Chính phủ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”, dự kiến sẽ kết thúc trước tháng 12 năm nay.
Còn tại Trung Quốc, giao dịch bitcoin ở đây chỉ chiếm 10% tổng giao dịch trên toàn thế giới vào năm 2012, nhưng đã tăng lên tới gần 100%. Nhiều nhà đầu tư đã sớm nhìn thấy xu hướng này và đang tận hưởng thành quả.
Hiện tại, bitcoin đang phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích, khi các chuyên gia tài chính dự đoán tốc độ tăng trưởng của đồng tiền này không bền vững, có thể dẫn tới sự sụp đổ tồi tệ bất cứ lúc nào. Một số người khác thì chỉ ra bitcoin không tồn tại ở trạng thái vật lý, có thể nhìn thấy hay sờ thấy, nên sẽ dễ bị hacker kiểm soát và đánh cắp.
Còn với Danny, chủ quán cà phê sở hữu máy ATM bitcoin đầu tiên tại Việt Nam, anh nhìn nhận bitcoin “là trường hợp nếu không thể đánh bại, thì hãy tham gia”.