Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, cổ phiếu của công ty bán lẻ trực tuyến Amazon đã tăng hơn 2% do các nhà đầu tư lạc quan về doanh số bán hàng của hãng trong sự kiện Black Friday. Theo dữ liệu từ Adobe Analytics, tỷ lệ người mua hàng trực tuyến trong ngày này tăng 18,4% so với năm ngoái. Đó là lý do các nhà đầu tư tin tưởng rằng Amazon sẽ "bội thu" mùa Black Friday năm nay.
Nhờ đó, tài sản của nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos tăng thêm 2,4 tỷ USD lên mức 100,3 tỷ USD. Ông cũng là người đầu tiên có giá trị tài sản ròng 12 con số kể từ sau khi nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates chạm đến cột mốc khổng lồ này vào năm 1999.
Cũng theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, khối tài sản của Jeff Bezos đã tăng 32,6 tỷ USD trong năm nay - nhiều hơn bất cứ ai trên bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới. Tính riêng tuần này, cổ phiếu của Amazon đã tăng 5%.
Trước việc ông chủ Amazon ngày càng giàu thêm, nhiều câu hỏi đặt ra về việc Bezos sẽ làm gì với tiền của mình. Không giống Bill Gates (người vừa mất ngôi vị giàu nhất thế giới vào tay Bezos trong tháng 10) hay nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, số tài sản Bezos quyên góp cho các hoạt động từ thiện còn khá khiêm tốn.
Doanh nhân 53 tuổi này chỉ mới bắt đầu tập trung vào công việc từ thiện và từng nhờ mọi người gợi ý cách làm trên Twitter hồi tháng 6 năm nay. Kể từ năm 2002, Bezos đã quyên góp cổ phiếu Amazon trị giá khoảng 500 triệu USD theo giá hiện hành. Hồi tháng 4, ông cho biết sẽ bán 1 tỷ USD cổ phiếu của Amazon hàng năm để tài trợ cho dự án Blue Origin LLC.
Theo tính toán của Bloomberg, nếu Bill Gates không quyên góp 700 triệu cổ phiếu Microsoft cùng 2,9 tỷ USD tiền mặt và các tài sản khác cho quỹ từ thiện, ông có thể sở hữu khối tài sản lên đến 150 tỷ USD.
Black Friday giúp tài sản của CEO Amazon vượt mốc 100 tỷ USD
Jeff Bezos sinh năm 1964 tại New Mexico. Từ nhỏ, Bezos đã sớm bộc lộ tư duy thông minh và “khác người” khi tự tay tháo rời chiếc nôi của mình bằng tuốc nơ vít với lý do muốn ngủ trên giường người lớn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton chuyên ngành Khoa học máy tính, Bezos từ chối lời mời của hai ông lớn lúc bấy giờ là Intel và Bell Labs để làm việc cho công ty khởi nghiệp Fitel. Sau khi rời bỏ Fitel, Bezos đầu quân cho quỹ đầu tư D.E. Shaw và trở thành phó giám đốc chỉ sau 4 năm.
Năm 1994, Bezos được biết rằng các trang web tăng trưởng với tốc độ 2.300% mỗi năm. Con số này làm ông choáng váng và ông quyết định phải tìm cách nào đó tận dụng lợi thế từ tình hình phát triển này. Ông làm ra một danh sách hơn 20 sản phẩm có thể bán online và nhận định rằng sách là lựa chọn tốt nhất.
Bezos quyết định nghỉ việc và thành lập Amazon tại một garage để xe của mình với những chiếc bàn gỗ cũ kĩ và tổ chức các cuộc họp của công ty tại nhà sách Barnes & Noble. Với sự nhạy bén trong kinh doanh cùng tài lãnh đạo thiên bẩm, ông đã đưa Amazon trở thành gã khổng lồ trong ngành bán lẻ trực tuyến với giá trị vốn hóa lên đến hơn 500 tỷ USD - gấp hơn 2 lần đối thủ Walmart.