Dù đã từng có chỗ đứng lớn trong lòng người Việt, nhưng giày Thượng Đình đã không thể biến thương hiệu thành lợi thế cạnh tranh như Biti's, và càng thiếu nhiều những yếu tố mang tính bùng nổ như hiệu ứng "Sơn Tùng MTP" đã mang lại trong những ngày vừa qua.
Kết quả kinh doanh bết bát
Giữa tháng 5/2015, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tiến hành IPO 1,9 triệu cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình, một doanh nghiệp vang danh một thời ở Hà Nội.
Phiên đấu giá hôm đó đã thành công vang dội khi thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư với số lượng cổ phần đăng ký mua gấp tới 12 lần số đem ra đấu giá. Kết quả, doanh nghiệp này thu về 91,7 tỷ đồng, đúng với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, các lãnh đạo công ty có lẽ sẽ kém vui, vì việc nhà đầu tư săn đón cổ phần giày Thượng Đình dường như chẳng hề liên quan tới tình hình kinh doanh của công ty. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh thu của giày Thượng Đình không có gì nổi bật, với lợi nhuận rất mỏng.
Riêng năm 2015, giày Thượng Đình chỉ thu về 277 tỉ đồng doanh thu, giảm mạnh so với mức 311 tỷ đồng năm trước đó. Lợi nhuận thu về vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng, một kết quả quá bết bát so với so với thương hiệu, lượng nhân lực và vật lực mà đơn vị này đang sở hữu.
Thành lập năm 1957, giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ quân đội. Tới năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình và năm 1993 mới chính thức mang tên công ty giày Thượng Đình.
Với hơn 60 năm tuổi đời, giày Thượng Đình còn “già” hơn nhiều so với Biti’s, và thương hiêu này cũng từng có vị thế đặc biệt là trong mắt người lao động Việt.
Thời kỳ bao cấp còn nhiều khó khăn, Thượng Đình là một trong những nhãn hiệu sáng giá nhất. Xét hành trình về lịch sử, hiếm có tên tuổi nào ăn sâu vào tâm trí người Việt bằng thương hiệu giày Thượng Đình.
Mặc dù vậy, theo thời gian, khi thu nhập người Việt ngày một khá lên, giày Thượng Đình lại đi theo vết xe đổ của một doanh nghiệp Nhà nước khi cứ mãi dậm chân tại chỗ, trở nên ngày càng tụt hậu.
Điều dễ thấy nhất, đó là giày Thượng Đình không có thêm một sản phẩm nổi bật nào trong suốt hàng chục năm qua. Sản phẩm đặc thù nhất của doanh nghiệp này là những đôi giày vải mềm mẫu mã rất ít thay đổi, có giá dưới 100.000 đồng.
Dòng sản phẩm này từng bán rất tốt thời kỳ trước, nhưng khi thu nhập người dân tăng dần lên và lựa chọn đa dạng hơn, Thượng Đình dần bị xếp vào nhóm “đồ bảo hộ lao động”. Nếu lựa chọn, người dân thậm chí vẫn có thể tìm tới những sản phẩm Trung Quốc có mẫu mã đa dạng và dễ mua hơn.
Tình hình trong nước không khả quan, khía cạnh gia công xuất khẩu – một thế mạnh lớn của ngành da giày Việt Nam cũng không được Thượng Đình tận dụng. Công ty bị hạn chế khi yêu cầu của khách hàng nước ngoài ngày càng cao, trong khi áp lực từ các đối thủ trong khu vực lại kéo giá giày giảm xuống từ 10 – 20%.
Chưa kể, máy móc lạc hậu buộc Thượng Đình phải gia tăng số lượng nhân công. Với khoảng 2.000 cán bộ nhân viên, áp lực chi phí vận hành của doanh nghiệp này cũng là rất lớn, trong khi lợi nhuận làm ra cả năm chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Sự sa sút của giày Thượng Đình cũng cho thấy bức tranh chung của ngành công nghiệp da giày Việt Nam. Đó là cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Nếu thị trường trong nước đã bị “xé lẻ” ở mọi phân khúc thì trong lĩnh vực gia công, các doanh nghiệp nội cũng không dễ để tồn tại. Trong top 5 các công ty da giày có doanh thu tốt nhất Việt Nam, chỉ có 1 tên tuổi trong nước đó là giày Thái Bình.
Bị “hắt hủi” khi hết thời?
Quay trở lại với phiên đấu giá, nếu giày Thượng Đình làm ăn không tốt như vậy, tại sao cổ phiếu của công ty vẫn rất sáng giá trong mắt nhà đầu tư?
“Sự hấp dẫn của giày Thượng Đình chủ yếu nằm ở quỹ đất chứ không phải năng lực kinh doanh”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Nếu nhìn qua quỹ đất của giày Thượng Đình, quả thực công ty đang nắm nhiều vị trí rất đắc địa tại Hà Nội. Quan trọng nhất là khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 đường Nguyễn Trãi. Ngoài ra, còn phải kể đến khu đất trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân) và khu đất trên tuyến đường trung tâm Tôn Đức Thắng.
Nếu chỉ hơn người nhờ "vốn lận lưng" là sở hữu nhiều bất động sản, thì nhiều khả năng giày Thượng Đình sẽ theo chân nhóm doanh nghiệp Nhà nước “hết thời” đang được đẩy mạnh cổ phần hóa.
Đó là hàng loạt những cái tên “vang bóng” như diêm Thống Nhất, Điện cơ Trần Phú, Dệt 19/5, Xích líp Đông Anh hay Kim khí Thăng Long. Và giày Thượng Đình nhiều khả năng cũng sẽ sớm lặp lại kịch bản trên.
Nhìn vào khả năng biến hóa với thời cuộc của các doanh nghiệp nội như Biti's, có lẽ đã đến lúc những "đàn anh" như giày Thượng Đình cần suy nghĩ nghiêm túc về việc lột xác thực sự, trước khi bị thương hiệu ngoại "ép chết" và mất hút trong tâm trí khách hàng!