Bitcoin cắm đầu lao dốc, mốc 13.000 USD có xảy ra?

Diễm Ngọc |

Với nhiều bê bối diễn ra trên thị trường tiền điện tử gần đây, Bitcoin được dự báo có thể mất tới 80% giá trị về quanh mức 13.000 USD/BTC, khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn.

Nguy cơ mất mốc 20.000 USD

Đồng tiền điện tử lớn nhất Bitcoin (BTC) đã mất hơn 70% giá trị so với mức cao nhất mọi thời đại là 68.789 USD/BTC được ghi nhận vào tháng 11/2021.

Theo CoinMarketCap, từ ngày 13/6, Bitcoin đã bắt đầu giao dịch ở mức dưới 25.000 USD mà không có dấu hiệu phục hồi. Hiện, BTC đang được giao dịch quanh mức 21.600 USD/BTC với vốn hóa thị trường khoảng hơn 400 tỷ USD.

Những tổ chức mua Bitcoin hàng đầu như MicroStrategy, Tesla, El Salvador và Block đang bị thâm hụt một khoản lợi nhuận khổng lồ trước sự cố này.

Trong đó, tính đến ngày 13/6, MicroStrategy - một công ty kinh doanh có trụ sở tại Mỹ nắm giữ 129.218 BTC trị giá hơn 3 tỷ USD. Hiện đã mất 713 triệu USD tương đương 17,98% tổng giá trị tài sản. Toàn bộ giá trị Bitcoin nắm giữ của MicroStrategy có giá trung bình là 30.700 USD/BTC.

Năm 2021, El Salvador là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán hợp pháp và các nhà đầu tư của đất nước này đã nắm giữ 2.031 BTC, trị giá 103 triệu USD với giá trung bình là 45.171,86 USD/BTC. Hiện tại, số BTC đang nắm giữ trị giá 57 triệu USD và họ gần như mất 44% lợi nhuận.

Còn hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng nắm giữ khoảng 42.000 Bitcoin trị giá 1 tỷ USD. Hiện Tesla đang mất hơn 20,37% giá trị trong khối tài sản 270 triệu USD bằng Bitcoin này với thị giá trung bình là 31.620,00 USD/BTC.

Tổ chức nắm giữ Bitcoin nhưng ít thiệt hại hơn cả là Block - một công ty dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số của Mỹ có trụ sở tại San Francisco đang nắm giữ 8.027 Bitcoin trị giá 219 triệu USD, giá trị hiện tại là 202 triệu USD. Block chỉ mất 8,13% giá trị lợi nhuận với mức trung bình giá thấp.

Khi tâm lý giảm giá đang tràn ngập thị trường tài chính, các chuyên gia bắt đầu cân nhắc liệu Bitcoin có giảm xuống dưới mốc 20.000 USD hay không và điều gì có thể xảy ra?

Hầu hết các nhà quan sát cho là, do điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi như lãi suất tăng và tình hình lạm phát nóng lên. Do đó, mọi con mắt dường như đổ dồn vào đường giá 20.000 USD - không chỉ vì đó là mức kháng cự tâm lý đáng kể, mà còn vì nó đại diện cho đỉnh của đợt tăng giá cuối cùng của Bitcoin vào năm 2017.

Nhà phân tích Bitcoin của Swan, Sam Callahan tin rằng, dựa trên kinh nghiệm từ các thị trường “gấu” trước đây, có khả năng Bitcoin sẽ giảm tới hơn 80% so với mức cao nhất mọi thời đại, như đã từng xảy ra vào tháng 12/2018 khi nó về mốc trên 3.000 USD. Điều đó có nghĩa là Bitcoin sẽ giảm xuống mức thấp nhất là khoảng 13.000 – 14.000 USD/BTC trong chu kỳ này.

“Điều quan trọng cần lưu ý là cơ sở đầu tư của Bitcoin rất khác biệt và tinh vi hơn so với các thị trường “gấu” trước đây. Nếu Bitcoin giảm xuống dưới 20.000 USD, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy áp lực mua đáng kể ở các mức giá chiết khấu đó vì đề xuất giá trị dài hạn của Bitcoin vẫn còn nguyên”, Callahan nói.

Dữ liệu của CoinGecko cho thấy, tính đến ngày 15/6, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD kể từ tháng 2/ 2021, hiện ở mức 977 tỷ USD.

Còn theo Yuya Hasegawa, một nhà phân tích thị trường tiền điện tử cho sàn giao dịch Nhật Bản Bitbank từng dự báo vào tháng trước rằng, Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 12.200 USD/BTC trong đà giảm lớn này.

Nhưng đến hiện tại, cách nhìn của vị chuyên gia đã có phần lạc quan hơn. “Tôi nghĩ Bitcoin có thể xuống dưới 20.000 USD một cách tạm thời, nhưng có khả năng sẽ nhanh chóng phục hồi mức xung quanh đó”.

Nhiều bê bối diễn ra

Marcus Sotiriou, một nhà phân tích tại công ty tiền điện tử Global Block của Anh, tin rằng, có thể có nhiều mặt trái hơn nếu Bitcoin giảm xuống dưới mốc 20.000 USD. Sotiriou chỉ ra tranh cãi xung quanh công ty cho vay tiền điện tử Celcius, khả năng công ty này có thể vỡ nợ và cuộc khủng hoảng thanh khoản đã buộc công ty phải tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền của người dùng vào đầu tuần này.

 Bitcoin cắm đầu lao dốc, mốc 13.000 USD có xảy ra?  - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đang mang tâm lý hoảng loạn về một đợt thanh lý xảy ra trên thị trường tiền điện tử (ảnh Getty Images)

“Celsius đang gặp rắc rối lớn, nhiều nhà đầu tư đang mang tâm lý hoảng loạn về một đợt thanh lý xảy ra ở mức giá khoảng 17.000 USD cho vị trí BTC của họ. Trường hợp “thanh lý cưỡng chế” xảy ra khi các nhà đầu tư phải bất ngờ và không tự nguyện đóng các vị thế trên sản phẩm phái sinh Bitcoin (như hợp đồng tương lai và quyền chọn), sau khi tài khoản của họ không đủ tài sản thế chấp để duy trì các vị thế đó.

Kiểu bán ép này gây thêm áp lực giảm giá lên giá Bitcoin, sau đó có thể khiến giá tiếp tục giảm và do đó gây ra nhiều đợt thanh lý hơn”, Marcus Sotiriou nhận định.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) được cho là đã khởi động một cuộc điều tra với các sàn giao dịch tiền điện tử đang hoạt động, để ngăn chặn giao dịch nội gián.

Theo FOX Business, vào ngày 15/6, SEC đã gửi thư đến một sàn giao dịch tiền điện tử lớn, yêu cầu thông tin về cách nền tảng bảo vệ người dùng khỏi giao dịch nội gián. Sau đó, nội dung thư tương tự cũng đã được gửi đến nhiều sàn giao dịch khác.

Không rõ sàn giao dịch nào đã nhận được yêu cầu, nhưng hãng tin cho biết, Coinbase, Binance, FTX và Crypto.com đều từ chối bình luận và SEC cũng chưa xác nhận cụ thể về cuộc điều tra.

Các cáo buộc về giao dịch nội gián tại thị trường mã thông báo không thể thay thế (NFT) lớn nhất OpenSea đã thu hút sự chú ý của SEC trong những tuần gần đây.

Đối tác tại công ty luật Hogan & Hogan, Jeremy Hogan chia sẻ với FOX Business rằng, mối quan tâm hiện tại của SEC đối với các sàn giao dịch có thể xuất phát từ các cáo buộc về giao dịch nội gián đối với các mã thông báo đã được lên lịch niêm yết và có khả năng tăng giá.

Đạo luật trao đổi hàng hóa kỹ thuật số được đề xuất năm 2022 cho thấy, SEC có quyền tài phán đối với các sàn giao dịch tiền điện tử. Nếu được thông qua, dự luật sẽ trao cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) quyền đối với các sàn giao dịch tiền điện tử và các nhà cung cấp stablecoin.

Các điều kiện thị trường hiện tại và các vụ bê bối đang diễn ra trong ngành tiền điện tử có thể đã xúc tác cho quyết định bắt đầu điều tra của SEC. Đầu tháng 5, hệ sinh thái Terra sụp đổ sau khi đồng stablecoin Terra UST phụ thuộc và tiền điện tử LUNA giảm 99,9% giá trị.

Gần đây hơn, nền tảng cho vay và đặt cọc tài chính phi tập trung Celsius đã gây xôn xao vì đóng băng việc rút tiền của người dùng, khi những tin đồn xoay quanh khả năng mất khả năng thanh toán khi chuyển một lượng tiền điện tử rất lớn sang sàn giao dịch FTX.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại