Biển Đồi Dương - Phan Thiết - Bình Thuận cũng vì những ưu thế này mà biến thành mặt bằng riêng của các hộ kinh doanh suốt 10 năm.
Ban đầu là công...
Năm 1999, UBND TP Phan Thiết ban hành Quyết định số 333 về phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng kết cấu hạ tầng khu du lịch Đồi Dương, tổng diện tích đất trên 41.000 m2.
Có 30 hộ đăng ký kinh doanh 30 quán ăn, giải khát và bán hàng lưu niệm…
Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng ở đây hơn 3,4 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách và huy động các cơ sở kinh doanh đóng góp, chống biển xâm thực.
Đến năm 2005, khu vực này được tiếp tục chỉnh sửa, có thêm bãi đậu xe ô tô và nhà vệ sinh công cộng với diện tích trên 1.200 m2.
Đường đi lại trong khu vực được lát bê tông, điện chiếu sáng cũng được đầu tư khiến khu vực trở nên khang trang, văn minh hơn trước.
Trong mười năm, từ 1999 đến 2009, các hộ này đã cùng TP Phan Thiết biến một khu vực khá hoang vắng, nhiều rác thải, vô cùng hoang sơ thành một công viên riêng.
Các quán hàng từ chỗ lèo tèo vài bộ bàn ghề, nhanh chóng biến thành những tiệm kinh doanh quy mô với nhà hàng, cây cảnh, khu vệ sinh, khu tắm nước ngọt…
Thế nhưng khi khách đến đông nghịt các quán hàng thì chuyện cơi nới dần dần không thể tránh khỏi. Mật độ xây dựng nhiều lên cũng phá vỡ quy hoạch kiến trúc phê duyệt năm 2005.
Bãi tắm ngày nào giờ sặc mùi mực nướng, cá chiên, sò điệp hấp… Người tắm biển, thưởng ngoạn biển ít hơn người ra làm vài chén với bạn bè.
Đây cũng là thời điểm biển Đồi Dương thường xuyên bị xâm thực, biển lấn vào bờ với tốc độ chóng mặt.
Để bảo vệ quán sá của mình, các hộ kinh doanh mua cây cừ tràm thuê người đóng cọc sâu xuống cát, thuê người đổ cát vào bao tải để tấn vào chân cọc.
Mỗi hàng quán một cách làm đã khiến bãi biển lô nhô cọc ẩn chứa những hiểm họa không lường trước và nhếch nhác, bẩn thỉu.
Người đi tắm biển, đi tập thể dục khi ấy phải loanh quanh qua nhiều con đường hẹp, có khi phải trả tiền thuê ghế mới có nơi ngồi.
Thậm chí, phía mặt tiền sát mép nước của quán nào, quán ấy cũng tự coi là sở hữu của mình và thẳng tay đuổi luôn du khách đến mà không sử dụng dịch vụ của họ.
Vì vậy, việc quy hoạch lại khu vực này cũng như xây dựng các cụm dịch vụ vừa đáp ứng nhu cầu tắm biển, vừa có quang cảnh thoáng đãng của vùng biển là điều cần phải làm.
UBND TP Phan Thiết quyết định cho ngưng toàn bộ hoạt động kinh doanh của các hộ ở khu vực Đồi Dương theo kiểu giải tỏa trắng.
Cuộc giằng co giữa chính quyền và chủ kinh doanh
Lập tức, quyết định này vấp phải sự phản đối của các hộ kinh doanh khi họ đã bỏ nhiều tiền vào đầu tư, khi họ đã đồng cam cộng khổ với chính quyền giữ biển, làm sạch biển.
Những người có thói quen lai rai ở biển cũng thấy bị ảnh hưởng khi phải vui vẻ bên bạn bè ở một không gian bí bức hơn chứ không còn được ngồi ven biển.
Các hộ kinh doanh đồng lòng ký đơn gửi UBND TP Phan Thiết.
Trong khi đó, cuối tháng 12/2009, UBND TP Phan Thiết lại có công văn gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh đưa lý do là quá gần với Tết Nguyên đán, nếu cưỡng chế tháo dỡ sẽ không có các dịch vụ phục vụ nhân dân dịp tết, nên xin gia hạn đến sau tết âm lịch.
Đầu tháng 1/2010, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo UBND TP Phan Thiết giải tỏa toàn bộ các quán cà phê, nhà hàng ven biển nằm dọc Đồi Dương. Sau 10/1/2010, quán nào không chịu tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế theo quy định.
Trước tình hình này, các hộ kinh doanh đã làm đơn xin được gia hạn kinh doanh đến ngày 25/2 (mùng 10 tết Canh Dần).
Nhưng qua Tết, các hộ kinh doanh lại xin một lần hoãn tiếp, đó là sau lễ 30/4/2010.
Những cuộc hoãn đi hoãn lại này khiến cho nhiều người bắt đầu hoài nghi là không thể giải tỏa được.
Thậm chí có ý kiến cho rằng vì có người thân của quan chức tham gia kinh doanh nơi đây nên chỉ làm ra oai thế thôi, chứ chắc chắn cuối cùng hợp đồng tiếp tục sử dụng mặt biển vẫn sẽ được tái ký.
Nhưng sau lễ 30/4/2010, công việc tháo dỡ để xây dựng lại bãi tắm công cộng với mật độ thấp, tạo không gian thoáng đãng thực sự cho ở khu vực Đồi Dương thực sự bắt đầu.
Giữa năm 2010, biển đã ra khỏi vòng kiểm soát của một số hộ mà trở lại là bãi tắm chung. Không là nơi đem lại lợi nhuận cho riêng ai cả.
Các hộ kinh doanh ở khu vực này, người thì được đổi đất ở vị trí khác, người vẫn giữ nguyên tên quán nhưng dời vào trung tâm Phan Thiết, người chuyển nghề…
Họ đã có mười năm khai thác mặt bằng biển và được đáp ứng nguyên vọng bằng hai lần hoãn ngày tháo dỡ.
Được trả lại mặt bằng, Bình Thuận bắt đầu thực hiện các biện pháp làm kè chắn sóng, tránh xâm thực việc mà người dân chỉ đối phó cho qua từng đợt chứ không thể giải quyết dứt điểm được.
Giờ đây, bãi biển Đồi Dương thoáng đãng, đứng bất cứ đâu cũng nhìn thấy những con sóng lăn tăn ngoài kia, ngồi dưới gốc dương nào cũng bình an hòa mình vào thiên nhiên.
Du khách đến tắm biển có thể mang theo đồ ăn, thức uống miễn phải giữ gìn vệ sinh theo quy định.
Đừng dùng cái nghèo như một "tấm khiên"
Nhìn lại gần 20 năm của bãi tắm lớn nhất Phan Thiết, mỗi một quyết định của UBND TP đều có một ảnh hưởng sâu sắc đến diện mạo của nó. Nhưng cuối cùng, nhu cầu chính đáng của đại đa số người dân và du khách đã được đáp ứng.
Không riêng biển Đồi Dương (Phan Thiết) mà biển Cam Bình (La Gi, Hàm Tân), biển Mũi Né (Hàm Tiến), biển Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) … của Bình Thuận cũng bị đưa vào kinh doanh.
Không thể phủ nhận rằng ngồi nhâm nhi trên biển là một thú vui. Nhưng khi đã kinh doanh thì phải có nhà cửa, các công trình kèm theo… và biển sẽ bị những công trình ấy che khuất.
Mới đây, cung đường Hòa Phú- Tuy Phong- Bình Thuận được đưa vào sử dụng. Dân phượt coi đó là một trong ít cung đường đẹp nhất nước khi nó uốn lượn qua các đồi cỏ mênh mông, các cồn cát hoang sơ.
Và thế là vỉa hè cung đường này vừa rộng vừa tuyệt đẹp lập tức biến thành nơi kinh doanh tự phát.
Khoảng 16 giờ mỗi ngày, người dân mang ra vỉa hè tôm, cá, mực, than, bia, đá… đặt dưới những hàng quán nhếch nhác bằng tranh tre lá và bán thoải mái.
Lý lẽ để dân chiếm vỉa hè là dân rất nghèo, kinh doanh các mặt hàng không cấm, ai đi bộ ở đây đâu mà lo… và những người phản đối cho kinh doanh vỉa hè ở đây đều bị chỉ trích là "Chỉ biết ngồi máy lạnh, không biết lo cho dân".
Thế nhưng vỉa hè, mặt biển đều là đất chung, phục vụ lợi ích chung, những ai đã từng biến nó thành của riêng để kiếm lợi cũng phải biết dừng lại, không thể đem cái nghèo ra như một tấm khiên che chắn mãi được.
Vậy, khi vỉa hè đã thông thoáng, cũng là lúc mặt biển, sườn núi… cần được trả lại đúng chức năng của nó.
Nếu Bình Thuận không cương quyết giải quyết ngay từ những hàng quán đầu tiên, để vài quán ban đầu nở ra thành vài chục, vài trăm quán, để tranh tre lá biến thành nhà xây kiên cố, vỉa hè, bãi tắm mà có nhà vệ sinh riêng, có bếp ăn riêng thì sau này lại tốn biết bao công sức và tiền bạc giải thích, vận động, tháo dỡ để có lại bờ biển chung của mọi người dân.