(ảnh minh họa: getty)
Kết luận trên nằm trong một nghiên cứu của Đại học Quân y số 2, Đại học Quân y Hải quân Trung Quốc và được xuất bản trên tạp chí của Anh mang tên Quân Y.
Cụ thể, so sánh với các lực lượng khác trong quân đội Trung Quốc, những người làm việc trên tàu ngầm thường phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý hơn. "Nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh rằng, các binh lính và sỹ quan của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc tại Biển Đông đang đối mặt với các nguy cơ sức khỏe tâm thần và chịu đựng các vấn đề tâm lý nghiêm trọng", nghiên cứu chỉ ra.
Các nhà khoa học từ hai trường đại học đã khảo sát 580 người làm việc trong các tàu ngầm thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc. Tỷ lệ người tham gia khảo sát gặp vấn đề đặc biệt trong bốn lĩnh vực là: lo lắng, ám ảnh sợ hãi, hoang tưởng và rối loạn.
Cũng theo nghiên cứu, các điều kiện và tình hình tại Biển Đông khiến các vấn đề trên càng trở nên nghiêm trọng hơn. "Môi trường không tốt cho cơ thể có nghĩa là những người làm việc trong tàu ngầm không chỉ bị cô lập, luôn phải sống trong một môi trường khép kín mà còn phải ngủ trong một không gian luôn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn lớn", nghiên cứu cho hay.
Việc thường xuyên phải tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cũng dẫn tới các rắc rối tâm thần.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện, những binh lính và sỹ quan có bằng đại học hoặc cao hơn, lại mắc phải nhiều vấn đề tâm thần hơn so với những người có trình độ giáo dục thấp hơn. Điều này có thể giải thích như sau, những người có học vấn cao không tìm được cách giải tỏa áp lực tâm lý trong một môi trường bị cách ly và họ mong muốn được "tự do và hòa nhập với xã hội".
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra, vấn đề nghiêm trọng hơn đối với các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân. Các tàu ngầm hạt nhân không chỉ đòi hỏi đội ngũ vận hành có trình độ cao hơn mà những người làm việc trên các tàu ngầm tối tân thường lo lắng nhiều hơn về khả năng xảy ra sự cố bên cạnh các ảnh hưởng khác từ hệ thống phóng xạ.
Cho đến nay, tại các nước không sử dụng tiếng Anh, hầu như chưa có nghiên cứu nào về tác động của môi trường làm việc trên tàu ngầm đối với thủy thủ đoàn. Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu của họ sẽ là cơ sở để Trung Quốc giám sát tình trạng sức khỏe của các thành viên thủy thủ đoàn, đồng thời mở rộng nghiên cứu tới toàn bộ hạm đội tàu ngầm của quân đội nước này.
Theo một báo cáo năm 2019, Trung Quốc hiện có khoảng 60 tàu ngầm, trong đó có ít nhất 10 tàu chạy bằng hạt nhân.