Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp có hiệu quả như tín dụng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề và giới thiệu việc làm…
Giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của Bình Dương là trên 1.050 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 dự kiến là hơn 500 tỷ đồng, để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Những năm qua, Bình Dương thực hiện tốt các chính sách khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tích cực vận động, huy động các nguồn vốn cho hội viên vay làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, với chuẩn về thu nhập gấp khoảng 1,5 lần so với mức chung của cả nước; điều chỉnh mức thu nhập lên 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn thực hiện chính sách bảo lưu đối với hộ mới thoát nghèo.
Tùy theo khả năng cân đối ngân sách địa phương, hàng năm tỉnh này sẽ xem xét, bố trí vốn ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo được vay vốn để thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn tín dụng làm ăn, vốn tín dụng học sinh, sinh viên…
Để giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai hiệu quả chương trình khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nghèo; tích cực vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng cho người dân quyết tâm tự lực vươn lên.