Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nào, quy mô ra sao?

T.Hà TH |

Được thành lập năm 1967, Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt.

Ngày 18/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến thăm và làm việc với Binh chủng Đặc công. Đây là đơn vị được mệnh danh là Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Được thành lập vào năm 1967, đến nay, Binh chủng Đặc công đã có 71 đơn vị và 174 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 đơn vị được tuyên dương 3 lần, 2 đơn vị được tuyên dương 2 lần.

Đơn vị cơ sở trực thuộc Binh chủng Đặc công gồm một số đơn vị: Trường Sĩ quan Đặc công; Đặc công biệt động: Lữ đoàn 1 đóng ở Hà Nội; Đặc công nước: Lữ đoàn 5 đóng ở Ninh Thuận; Đặc công bộ: Lữ đoàn 113 đóng ở Vĩnh Phúc; Lữ đoàn 198 đóng ở Đắk Lắk; Lữ đoàn 429 đóng ở Bình Dương,...

Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nào, quy mô ra sao? - Ảnh 1.

Bộ đội Đặc công trình diễn các kỹ thuật phục vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan. Ảnh: chinhphu.vn

Đặc điểm nổi bật của Binh chủng Đặc công

Theo Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Cách đánh đặc công ra đời từ sự kế thừa sáng tạo, tiếp nối nghệ thuật đánh giặc giữ nước của ông cha ta. Trong nhiều nhân tố tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù thì tạo ra cách đánh độc đáo, thể hiện sâu sắc tư tưởng quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy tinh binh thắng đa binh” là điều quan trọng, nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, được kết tinh bằng cách đánh đặc công, báo Quân đội nhân dân cho hay.

Bộ đội Đặc công phải được huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu. Kỹ thuật phải được huấn luyện thuần thục, điêu luyện, chiến thuật phải huấn luyện vững chắc và giỏi, nhất là chiến thuật phân đội nhỏ; biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí đặc chủng, sử dụng được vũ khí thông thường sử dụng thành thạo, bản đồ quân sự; những phương tiện trang bị của từng chuyên ngành và giỏi sinh sống dã ngoại bí mật dài ngày...

Về vũ khí, cần được trang bị phù hợp với cách đánh, với yêu cầu chung là: gọn, nhẹ, có uy lực sát thương, phá hoại lớn, có độ chính xác cao, tiện sử dụng, niên hạn sử dụng dài và dễ bảo quản.

Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nào, quy mô ra sao? - Ảnh 2.

Các đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công bất kể nắng hay mưa, luôn miệt mài, say sưa luyện rèn, nâng cao thể lực, kỹ thuật. Ảnh: Báo Tổ quốc

Binh chủng Đặc công gồm những lực lượng nào?

Lực lượng Đặc công bộ

Lực lượng đặc công đánh bộ có khả năng tác chiến ở cả đồng bằng, rừng núi và đô thị, đánh vào các mục tiêu trên bộ.

Trường huấn luyện đặc công chính hiện nay là Trường Sĩ quan Đặc công. Tại trường, các học viên trải qua nội dung huấn luyện gồm: xạ kích, cài mìn, chiến đấu tay không, ngụy trang, đánh bộc phá cùng nhiều bài tập chiến đấu khác.

Binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nào, quy mô ra sao? - Ảnh 3.

Yêu cầu đầu tiên của chiến sĩ đặc công trước khi bước vào huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng là phải biết hóa trang, ngụy trang. Ảnh: Giang Linh

Lực lượng Đặc công nước

Đặc công nước là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được huấn luyện để tiến công các mục tiêu thủy của đối phương như: bến cảng, tàu thủy,... và các mục tiêu chỉ có thể xâm nhập qua đường thủy.

Lực lượng này tác chiến trên hướng biển, đảo; làm nhiệm vụ chống khủng bố; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Hàng ngày, cùng với luyện tập các nội dung, kỹ thuật, chiến thuật, võ chiến đấu trên bờ và dưới nước, các chiến đấu viên đặc công nước còn luyện rèn sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai ở nhiều địa hình, độ sâu khác nhau trên biển và cách khắc phục, không chỉ với đối phương, mà còn cả cách đối phó với rắn, rết, các loại côn trùng cũng như các loại động vật, sinh vật biển gây hại cho người như sứa, cá mập.

Lực lượng Đặc công biệt động

Đặc công biệt động chuyên hoạt động và đánh các mục tiêu ở đô thị và vùng ven, vùng sâu, khi cần có thể đánh các mục tiêu dưới nước, ở vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi.

Hiện nay, dù nhiệm vụ tác chiến yêu cầu rất cao trong điều kiện khó khăn, phức tạp, công tác hiệp đồng giữa đặc công biệt động với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an rất chặt chẽ, khẳng định vai trò là lực lượng đầu ngành chống khủng bố trong toàn quân của bộ đội đặc công. 

Lực lượng Đặc công biệt động đã hoàn thành tốt nhiện vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu được giao, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

“Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công đ­ược tin t­ưởng đặc biệt... Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt quán xuyến tất cả, từ lúc tập luyện cho đến lúc đi đánh, cũng như lúc về... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải v­ượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được. Nói tóm lại là công việc, công tác của các đồng chí cũng đặc biệt khó, nhưng cũng đặc biệt vẻ vang”.

(Trích Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ thành lập Binh chủng Đặc công, ngày 19/3/1967).

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại