"Ngày 19-8 là đúng hạn ba ngày nhưng việc cưỡng chế và cắt điện, cắt nước vẫn chưa được thực hiện.
Hôm 18-8, tôi đã yêu cầu báo cáo. Huyện khẳng định làm đúng nhưng tôi chỉ đạo phải xem xét thật kỹ, xử lý phải có căn cứ vững chắc để dân phục" - ông Phụng nói.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh (đề nghị không nêu tên) cho biết đã có báo cáo nhanh, xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM đối với những thông tin mà Pháp Luật TP.HCMphản ánh.
Về ý kiến của các chuyên gia cho rằng quyết định đình chỉ thi công của UBND thị trấn Tân Túc trái pháp luật (áp dụng văn bản pháp luật hết hiệu lực, áp dụng hành vi mà luật không quy định), vị lãnh đạo này cho biết các bộ phận nghiệp vụ đang nghiên cứu, nếu kết luận là sai sẽ xử lý theo quy định.
Như tin đã đưa, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin chào, xin đặt tạm khúc container hoán cải trong khuôn viên quán để làm chỗ rửa ly, chén.
Sau đó, lực lượng chức năng UBND thị trấn Tân Túc đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính rồi ra quyết định đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ trong thời hạn ba ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Quyết định cũng yêu cầu cắt điện, cắt nước.
Theo Thông tư 30/2013 của Bộ Công Thương thì ngành điện được ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nếu tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Điện lực, Luật Xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường.
Sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2015), ngành điện gặp vướng khi nhận được yêu cầu ngừng cấp điện để hỗ trợ xử lý vi phạm xây dựng.
Được biết Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã từng đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến tháo gỡ những khó khăn trên.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã trả lời: Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định về việc ngừng cấp điện đối với các vi phạm xây dựng.