Báo Sputnik dẫn lời Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày và túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, với hơn 50% sản lượng giày được gia công, sản xuất tại Việt Nam, Nike đã đưa Việt Nam trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất của hãng.
Thậm chí, thương hiệu giày thể thao hàng đầu thế giới còn sẵn sàng tăng thêm đơn hàng nếu Việt Nam vẫn có dư địa để phát triển.
Theo bà Xuân, việc Nike gia công và xuất khẩu từ Việt Nam với tỉ trọng lớn và ngày càng tăng đã giúp tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Hiện kim ngạch xuất khẩu giày Nike chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam .
Lý giải về việc Nike chọn Việt Nam là "công xưởng" gia công, sản xuất giày của hãng, bà Xuân cho biết trên Tuổi trẻ rằng, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế trong ngành xuất khẩu giày dép, chỉ sau Trung Quốc.
Cụ thể, Việt Nam có sự đầu tư tốt cho hệ thống nhà máy sản xuất, cũng như chi phí lao động ở mức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là người Mỹ ngày càng ưa chuộng những sản phẩm giày "made in Vietnam". Điều này đã góp phần làm cho sản xuất giày dép của Việt Nam tăng trưởng tốt.
Bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, tỉ trọng gia công, xuất khẩu giày Nike tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021. Làn sóng dịch thứ 4 phần lớn chỉ ảnh hưởng đến sản xuất trong quý 3, các quý 1 và quý 2 vẫn có đà tăng ổn định. Nhiều đơn hàng đã trở lại ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh.
Bà Xuân cho biết, mỗi năm nước Mỹ nhập khẩu khoảng 1,8 tỉ đôi giày. Trong khi đó, Việt Nam xuất vào thị trường này trên 300 triệu đôi, phần lớn là giày thể thao của các thương hiệu lớn, đặc biệt là Nike.
Trong năm 2021, xuất khẩu giày dép Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau khi các đơn hàng được khôi phục lại, thị trường Mỹ đã cho thấy sự phục hồi rất tốt.
Làm gì để Nike tiếp tục làm ăn lâu dài ở Việt Nam?
Nói về triển vọng tăng đơn hàng của Nike tại Việt Nam, bà Xuân cho biết nhu cầu này là có nhưng còn tùy vào dư địa và khả năng sản xuất.
Hiện tại, vấn đề thiếu lao động và tăng chi phí đang là điều đáng quan tâm và lo ngại, cần phải có thêm thời gian để phục hồi sau đại dịch.
Có thể những doanh nghiệp ổn định sản xuất, có cơ sở sản xuất đầu tư tốt không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các doanh nghiệp bị thiếu lao động, không giữ được lao động do dịch bệnh sẽ khó đáp ứng đơn hàng hơn.
Ngoài ra, chi phí logistics tăng cũng là một trở ngại cho các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ. Vì thế, các nhãn hàng có xu hướng dịch chuyển về gần thị trường tiêu thụ để giảm rủi ro về logistics.
Bà Xuân cho biết, các sản phẩm Nike có tỉ lệ nội địa hóa khá cao ở Việt Nam, do Việt Nam chủ động được các nguyên phụ liệu như mũ giày, đế giày. Trừ các dòng sản phẩm mới, còn lại tỷ lệ nội địa hóa với giày thể thao có thể đến 55-70%.
Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu cho Nike lại chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại rất hạn chế do còn kém về năng lực.