*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Cập nhật diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước ngày 8/1.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Phước xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 8-1 rằng một bệnh viện ở tỉnh này đã mua kít xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á).
"Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước có mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, mua số lượng bao nhiêu thì chưa nắm rõ" - lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước nói.
Vị này còn cho biết số lượng kít xét nghiệm mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước mua của Công ty Việt Á không nhiều hơn so với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh đã mua.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước từng mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á
Ngày 8/1, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, thêm 2 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đều là người già.
Cụ thể, trong ngày có thêm 2 bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tỉnh, đó là bệnh nhân nữ 84 tuổi địa chỉ xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc) và bệnh nhân nữ 90 tuổi địa chỉ xã Hoằng Trạch (huyện Hoằng Hóa).
Trong ngày 8/1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 290 bệnh nhân mắc Covid-19 mới, trong đó có 101 ca mắc trong cộng đồng, tập trung ở các đơn vị như TP Thanh Hoá, huyện Hoằng Hoá, thị xã Nghi Sơn...
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 10.081 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 7.240 người điều trị khỏi được ra viện; 18 bệnh nhân tử vong.
Ngày 8/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong ngày, thành phố ghi nhận thêm 2.791 ca bệnh mắc Covid-19, trong đó, 504 ca cộng đồng.
So với ngày hôm qua, ngày hôm nay, số lượng ca mắc tiếp tục tăng. Đây là ngày thứ 3, Hà Nội ghi nhận hơn 2.700 ca mắc Covid-19 và là ngày thứ 7 liên tiếp, thành phố ghi nhận hơn 2.000 ca mắc.
Số ca mắc cộng đồng hôm nay, so với ngày hôm qua có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, hơn 500 ca.
Còn theo thông báo của Bộ Y tế, hôm nay, Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.791), Khánh Hòa (798), Hải Phòng (748), Bình Định (742), Bình Phước (718), Trà Vinh (575), Tây Ninh (587), Cà Mau (587), Đắk Lắk (481), Đà Nẵng (474), Vĩnh Long (470), TP. Hồ Chí Minh (436), Hưng Yên (384), Bắc Ninh (382), Quảng Ninh (343), Thanh Hóa (290), Bến Tre (285), Hậu Giang (253), Bạc Liêu (250), Lâm Đồng (236), Thừa Thiên Huế (232), Cần Thơ (208), Vĩnh Phúc (197), Bà Rịa - Vũng Tàu (193), Thái Bình (183), Bắc Giang (182), Gia Lai (181), Nam Định (181), Hải Dương (181), Kiên Giang (172), Hòa Bình (163), An Giang (161), Quảng Nam (158), Bình Thuận (157), Quảng Ngãi (151), Đồng Tháp (150), Thái Nguyên (137), Sóc Trăng (134), Ninh Bình (131), Nghệ An (129), Quảng Trị (114), Phú Thọ (111), Đồng Nai (105), Đắk Nông (103), Hà Nam (95), Yên Bái (86), Lào Cai (74), Sơn La (67), Bắc Kạn (66), Lạng Sơn (66), Bình Dương (59), Long An (53), Ninh Thuận (46), Cao Bằng (39), Tuyên Quang (38), Tiền Giang (37), Quảng Bình (37), Kon Tum (26), Lai Châu (21), Hà Tĩnh (21), Điện Biên (20), Phú Yên (18).
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, chúng ta cần phải hiểu thế nào gọi là mũi cơ bản, mũi bổ sung và mũi nhắc lại.
Liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vắc xin hướng dẫn và thực hành tiêm chủng đủ. Mỗi hãng sản xuất vắc xin Covid-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau.
Thí dụ như: vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna,... có liều cơ bản là 2 mũi; vắc xin Abdala của Cuba có liều cơ bản là 3 mũi nhưng vắc xin Janssen của hãng Johnson&Johnson chỉ có 1 mũi.
Khi tiêm xong liều cơ bản, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể bị giảm dần, khi đó người dân cần tiêm mũi tăng cường.
Mẫu xác nhận đã tiêm chủng mới của Bộ Y tế.
Ví dụ, ở trường hợp người có miễn dịch kém: như mắc ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng dù đã được tiêm liều cơ bản nhưng do đáp ứng miễn dịch yếu nên phải được tiêm một mũi vắc xin nữa. Mũi tiêm này được gọi là mũi bổ sung.
"Với mũi bổ sung, sau một tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, người dân đã có thể được tiêm ngay. Người dân có thể sử dụng chính loại vắc xin đã được tiêm ở liều cơ bản để tiêm mũi bổ sung. Nếu không, có thể dùng vắc xin mRNA (như của Pfizer, Moderna...) để thay thế", TS. Thái nói.
Chiều 8/1, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, TP HCM tuần qua ghi nhận 3.224 ca mắc mới, hiện TP HCM đã đạt cấp độ 1 (vùng xanh - tính tới 06/01/2022). Sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, đây là lần đầu tiên TP.HCM trở thành vùng xanh.
Cụ thể, TP HCM đã đạt cấp độ 1 của dịch theo nghị quyết 128 của Chính phủ. Về cấp quận huyện, có 18 địa phương đạt cấp độ 1 gồm quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú.
Và chỉ còn 4 địa phương đạt cấp độ 2 là quận 1, 10, Bình Thạnh, TP Thủ Đức. Như vậy, TP Thủ Đức tăng từ cấp 1 lên cấp 2 và không còn địa phương nào ở cấp độ 3, 4.
Có 3 địa phương giảm cấp độ dịch là quận 4, 11, Tân Phú từ cấp 2 xuống cấp 1.
Về phường, xã, thị trấn, có 235 địa phương cấp độ 1, 74 địa phương cấp độ 2, 3 địa phương cấp độ 3.
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt trước và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ và các hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo linh hoạt, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Tổ COVID cộng đồng trong giám sát, theo dõi y tế; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trước và trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế di chuyển khi không thật sự cần thiết.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch, rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có diễn biến dịch phức tạp; chủ động giám sát, xét nghiệm, cách ly theo quy định; tăng cường xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao và tập trung đông người. Các đơn vị như Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác giám sát phòng, chống dịch, kiểm dịch y tế khu vực biên giới, thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.
Theo báo Tin tức
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng hôm nay (8/1), cấp độ dịch toàn thành phố hiện đang ở cấp độ 4 (vùng đỏ), nguy cơ rất cao.
Đối với cấp độ xã, phường, hiện có 131/218 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ) - nguy cơ rất cao; 71 xã, phường cấp độ 3 (vùng cam) - nguy cơ cao; 10 xã, phường cấp độ 2 (vùng vàng) và 6 xã, phường (vùng xanh).
Một tháng nay, TS Vũ Thị Thanh cùng 30 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tạm xa Hà Nội và đến An Giang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.
TS Vũ Thị Thanh từng ở tâm dịch Đà Nẵng năm 2020. "Ngày đó sợ lắm, không như bây giờ, vì là bệnh mới và chưa được tiêm vaccine. Nay đồng nghiệp đã có kinh nghiệm, mình lại được rèn luyện nên xung phong đi vào đây", chị Thanh mở đầu câu chuyện.
Vào An Giang, chị chỉ mang theo vài bộ đồ và một số vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiệm vụ của chị Thanh là đưa ra phác đồ dinh dưỡng nâng cao thể trạng bệnh nhân ngay từ khi đang trên giường bệnh. Để làm được điều này, chị cùng bác sĩ điều trị phải thăm khám từng bệnh nhân cùng thảo luận để kết hợp giữa thuốc điều trị và dinh dưỡng.
"Kinh nghiệm của các trận dịch vừa qua cho thấy, dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid nặng là rất quan trọng để họ có đủ sức chống lại các diễn biến rất nhanh của các cơn suy hô hấp", chị Thanh nói.
Xem thêm tại:
Bộ Y tế hướng dẫn tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung bằng vaccine Vero Cell (công nghệ bất hoạt), được sử dụng vaccine cùng loại hoặc vaccine công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) hoặc vaccine công nghệ vector virus (AstraZeneca). Như vậy, Vero Cell là loại duy nhất hiện nay được tiêm trộn với vaccine mRNA hoặc vector virus.
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó WHO khuyến cáo sử dụng cùng loại vaccine trong liệu trình tiêm chủng. Tuy nhiên, vào ngày 16/12/2021, tổ chức này cho phép sử dụng vaccine bất hoạt kết hợp với vaccine khác.
Vaccine Vero Cell tiêm theo liệu trình cơ bản là 2 mũi (hướng dẫn của nhà sản xuất). Tuy nhiên Bộ Y tế quyết định tiêm thêm liều bổ sung sau 28 ngày tiêm mũi 2 vaccine này thì mới được xem như hoàn thành liều cơ bản. Như vậy, liều cơ bản vaccine Vero Cell hiện nay là 3 mũi.
Sáng 8-1, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký thông báo cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM tuần qua.
Theo đó, tính đến ngày 6-1, dịch Covid-19 tại TP.HCM ở cấp độ 1 (vùng xanh).
Với kết quả này, lần đầu tiên dịch ở TP.HCM hạ xuống cấp độ 1, sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2 (vùng vàng), kể từ ngày 19-10-2021.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 8/1, với công dân trên địa bàn tỉnh, người trên 18 tuổi chưa tiêm hoặc chỉ mới tiêm một mũi vắc xinphòng Covid-19 thì không được phép ra khỏi nhà ở/nơi cư trú, trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng.
Với người ra, vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu, hiện nay toàn địa bàn tỉnh không còn thiết lập chốt chặn kiểm soát dịch Covid-19 nên mọi công dân đều được phép ra vào địa bàn tỉnh, song phải thực hiện khai báo y tế.
Cách thức khai báo có thể thực hiện thông qua các phần mềm (đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận) ứng dụng trên thiết bị di động, hoặc đến khai báo trực tiếp tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi đến.
Theo lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), người này đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit test lên khoảng 45%.
Số tiền Việt Á thu về trong vụ này được xác định trên 500 tỷ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.
Trao đổi với VietNamNet về tình huống pháp lý nêu trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm cho rằng, cụm từ "hoa hồng" là "mỹ từ" trong kinh doanh, nhưng dưới góc độ pháp lý có thể gọi đây là hành vi "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", ít nhất cũng là "nhận quà trái quy định" pháp luật.
“Nếu quà tặng giữa những người không phải là thân thích, nhưng giá trị quà tặng lên tới vài tỷ đồng, trị giá cả một gia tài thì chỉ có thể là "ăn chia", "chung chi", là hoạt động gian lận, chứ không thể có chuyện "người dưng" mà tặng cho nhau cả một gia tài như vậy”, lời Tiến sỹ Đặng Văn Cường.
Nếu nhận quà để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa quà thì đó là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, đây chính là "gai đâm" sau khi nhận "hoa hồng".
Nhận được phản ánh của nhiều người về loại thuốc "chữa Covid-19 gia truyền", PV Dân Tró đã liên lạc với đầu mối buôn bán loại thuốc này tại Giải Phóng (Hà Nội). Qua trao đổi, người bán tên V. cho biết, gia đình V. đã bán loại thuốc gia truyền này 3-4 đời. Thuốc được làm từ 17 loại lá cây chiết xuất ra. "Thuốc được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, không có chất hóa học", V. nói.
Đáng nói, V. thản nhiên khẳng định, thuốc gia truyền "nhà tôi 4 đời" chữa hầu như bách bệnh, kể cả Covid-19 hay ung thư (!).
Khi PV nêu thắc mắc: Sao bệnh mới xuất hiện 2 năm nay mà thuốc gia truyền 3-4 đời lại có thể chữa khỏi? V. cho hay, thuốc này bệnh gì cũng chữa được, từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng nhất.
Thế nhưng, khi hỏi về giấy phép của loại "tiên dược chữa Covid-19 gia truyền", V. chỉ ấp úng cho biết, thuốc đã được cấp bằng sáng chế, hồ sơ đã nộp lên Bộ Y tế từ lâu nhưng phải 10 ngày nữa mới được cấp giấy chứng nhận.
Giám đốc Sở Y tế cho biết, một vấn đề mới phát sinh là TP bắt đầu ghi nhận một số người gặp vấn đề về sức khỏe sau khi mắc Covid-19 khá đa dạng, bao gồm mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần… Ngành y tế xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022.
Theo đó, ngoài việc huy động các chuyên gia thuộc các lĩnh vực sức khỏe xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân, TP sẽ khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19; tăng cường phối hợp đông tây y… Đặc biệt, sẽ tổ chức tổng đài chăm sóc sức khỏe tâm thần, đẩy mạnh các hoạt động điều trị sức khỏe tâm thần các cấp.
"Ngành y tế cũng tổ chức nghiên cứu tác động của Covid-19 với các lĩnh vực và tạo điều kiện cho người sau mắc Covid-19 trở lại cuộc sống bình thường", ông Thượng nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ
Ngày 7/1, Bộ Y tế ban hành quyết định số 43/QĐ-BYT hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 và mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Theo đó, giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có 3 mục. Khi người dân tiêm vắc xin sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin ngừa Covid-19 với chi tiết các mũi tiêm.
Theo TS Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc đưa ra mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng 7 mũi nhưng không phải mỗi người sẽ tiêm 7 mũi vắc xin Covid-19.
Lý giải có tới 7 mũi, TS Thái cho biết trong tương lai có thể có vắc xin có khả năng tích hợp công nghệ mới chống lại được tất cả các biến chủng thì người dân có thể tiêm. Các phiếu mũi sau đều là dành cho tương lai nên người dân không cần lo lắng sẽ phải tiêm tới 7 mũi vắc xin như trên phiếu in.
Mẫu phiếu tiêm chủng mới.
Theo Infonet/Vietnamnet
Chiều 7/1, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết, đơn vị này đã phối hợp các sở ngành liên quan thống nhất phương án đề xuất UBND thành phố chi ngân sách thưởng Tết cho mỗi nhân viên y tế 1,5 triệu đồng.
Theo bà Mai, UBND thành phố cùng với các sở, ngành liên quan, trong đó có Sở Y tế đang bàn bạc phương án để đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách thưởng Tết cho nhân viên y tế. "Nếu được thông qua, đây sẽ là một tin vui cho anh chị em nhân viên y tế chúng tôi", bà Mai nói.
Ngoài các vấn đề về thưởng Tết, thành phố đang đặc biệt quan tâm chế độ, chính sách cho những người trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19. Hiện Sở Y tế đang kiểm tra, giám sát và rà soát lại việc chi hỗ trợ phòng chống dịch cũng như phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế. Nếu phát hiện những đơn vị chậm chi trả hoặc chưa chi trả các khoản trên sẽ có hình thức xử lý.
Theo Tiền Phong
Tổng số bệnh nhân Covid-19 đã điều trị tại Hà Nội là 91.418 người; số bệnh nhân hiện đang điều trị: 40.736, trong đó:
+ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: 123 người; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 215 người.
+ Tại các bệnh viện thành phố: 2.696 người.
+ Cơ sở thu dung điều trị thành phố: 1.321 người.
+ Cơ sở thu dung quận/huyện: 5.415 người.
+ Theo dõi cách ly tại nhà: 31.304 người.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.767 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 408 bệnh nhân ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng nguy kịch có 336 bệnh nhân phải thở oxy Mask, gọng kính; 26 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC; 6 bệnh nhân thở máy không xâm lấn; 38 bệnh nhân thở máy xâm lấn.
Theo Vietnamnet
"Chẳng lúc nào hết bận", Trạm trưởng một trạm y tế ở quận Đống Đa chia sẻ khi phóng viên Tiền Phong hỏi về công việc dịp giáp Tết. Hiện nay, ngoài công việc tư vấn, điều trị F0, F1 trên địa bàn, nhân viên y tế ở các trạm y tế phường còn tiêm vắc xin cho người dân, giải quyết giấy tờ, thủ tục cho các trường hợp hết hạn cách ly, điều trị…
"Hết việc này đến việc khác. Hôm trước nhiều người hoàn thành cách ly đến "quây" trạm để lấy giấy tờ làm hồ sơ hưởng tiền hỗ trợ Covid-19. Có trường hợp đến phản ánh, làm ầm lên vì quyết định cách ly tính từ thời điểm khai báo chứ không tính từ thời điểm phát hiện dương tính… Năm nay chưa có gì. Nhưng năm nào cũng có khen thưởng, gọi là tháng lương thứ 13", chị thông tin.
Chị cho biết, hiện do công việc đang bận, lượng F0 trên địa bàn nhiều, mọi người tập trung vào phòng, chống dịch, chưa nghĩ gì đến chế độ lương, thưởng Tết.
Nhân viên y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) trực điện thoại tư vấn cho các trường hợp F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà Ảnh: Trường Phong
Theo Tiền Phong
Về vấn đề, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng "Khi chúng ta đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Chúng ta không "ngăn sông cấm chợ" vì tỷ lệ bao phủ vaccine đã cao".
Vì thế, theo ông các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội
Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.
Theo Dân Trí
Từ 8h ngày 10/1, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Cầu Giấy chỉ được phép bán hàng mang về sau khi 7/8 phường trên địa bàn ở mức độ nguy cơ cao về dịch Covid-19.
Theo đó, từ 8h ngày 10/1, quận Cầu Giấy không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác theo quy định.
Nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, Internet, trò chơi điện tử.
Quận Cầu Giấy cũng cấm các hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong.
Chia sẻ về hành trình chữa bệnh Covid-19 của mình, hoa hậu Đỗ Thị Hà cho biết, cô may mắn khi không có những triệu chứng nặng, vì vậy cô không quá mệt trong quá trình điều trị.
"Đặc biệt khi bị nhiễm Covid-19, tôi bị rụng tóc rất nhiều. Tuy nhiên tôi luôn tin sau khi tôi khỏi bệnh thì mọi thứ cũng sẽ trở lại bình thường", hoa hậu chia sẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM) cho biết rụng tóc là một trong số nhiều triệu chứng của người bệnh sau khi khỏi Covid-19. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, hậu Covid, người bệnh sẽ bị mệt mỏi, khả năng ăn uống và hấp thu kém. Do đó, người bệnh không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu chất dẫn đến triệu chứng rụng tóc.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị Covid-19, bệnh nhân cũng phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị có khả năng gây rụng tóc. Đặc biệt, vấn đề bất ổn về tâm lý do dịch bệnh như căng thẳng, lo âu cũng có thể dẫn đến hiện tượng rụng tóc.
Hình ảnh mới nhất sau khi nàng hậu khỏi Covid-19. Ảnh: FBNV.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 4.2020 đến nay, Công ty Việt Á đã cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 cho các bệnh viện, CDC 62/63 tỉnh, TP với doanh thu khoảng 4.000 tỉ đồng. Để bán được nhiều sản phẩm, bị can Phan Quốc Việt và lãnh đạo Công ty Việt Á có chủ trương câu kết với các lãnh đạo CDC hoặc các cơ sở y tế nhằm "thông thầu", nâng giá sản phẩm cao hơn so với thực tế. Đổi lại, Công ty Việt Á chi hoa hồng cho bên mua, có nơi lên tới 20%.
C03 xác định, có các dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước tại Bộ KH-CN, cũng như nhiều dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
“Hiện Bộ Công an tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ “biến thể” Việt Á trong tương lai”, trung tướng Tô Ân Xô cho hay.
Theo Thanh Niên
Theo quyết định mới nhất, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã nới lỏng nhiều hoạt động. Theo đó, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, truyền thống được hoạt động bình thường nhưng phải tuân thủ 5K.
Hiện dịch tại TP Cần Thơ đang ở cấp độ 3. Chính quyền TP Cần Thơ cho trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh cá thể được phép hoạt động, song phục vụ không quá 30 người tại cùng 1 thời điểm; thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt mật độ, tần suất khách đến mua bán.
Tại An Giang, dịch ở cấp độ 2, thời gian qua các hoạt động đã được nới lỏng như: các cơ sở dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động với hình thức phục vụ tại chỗ…
Tỉnh cũng ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không được ra đường từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Theo Vietnamnet
Thông tin từ UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho báo Thanh Niên biết, địa phương này yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nêu gương trong việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không tham gia các hoạt động tập trung đông người, không ra khỏi địa bàn tỉnh Quảng Ninh khi không có việc thực sự cấp thiết; vận động người thân, bạn bè không tổ chức tập trung ăn uống đông người, tiệc cưới, tiệc mừng, đám giỗ…
Trong trường hợp người thân qua đời, tổ chức trang trọng nhưng gọn nhẹ, văn minh. Đặc biệt, không tham gia ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn, cho đến khi có chỉ đạo mới.
Ảnh minh họa
Chiều 7-1, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Điểm đáng chú ý mà ông Phạm Đức Hải thông tin là số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm mạnh những ngày qua, chỉ còn 20 bệnh nhân tử vong ngày 6-1.
"Số ca tử vong ngày 6-1 thấp nhất trong 175 ngày qua, tính từ ngày 16-7-2021 đến ngày 6-1-2022" – ông Hải nói.
Tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 20.070 ca tử vong do Covid-19.
Theo báo Pháp luật TP.HCM
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.723), Hải Phòng (795), Khánh Hòa (790), Bình Phước (716), Vĩnh Long (699), Cà Mau (676), Bình Định (667), Tây Ninh (583), Trà Vinh (498), TP. Hồ Chí Minh (489), Bến Tre (443), Hải Dương (443), Bắc Ninh (351), Quảng Ninh (345), Hưng Yên (319), Đà Nẵng (309), Thanh Hóa (275), Bà Rịa - Vũng Tàu (263), Hà Giang (263), Lâm Đồng (245), Thừa Thiên Huế (235), Kiên Giang (229), Cần Thơ (213), Bạc Liêu (210), Hòa Bình (197), An Giang (188), Quảng Ngãi (186), Quảng Nam (173), Nam Định (172), Thái Nguyên (165), Bắc Giang (162), Quảng Trị (160), Vĩnh Phúc (157), Hậu Giang (148), Đồng Tháp (135), Thái Bình (132), Nghệ An (131), Đồng Nai (127), Bình Thuận (121), Đắk Nông (106), Phú Thọ (103), Hà Nam (98), Tiền Giang (97), Sơn La (96), Sóc Trăng (91), Yên Bái (73), Phú Yên (56), Quảng Bình (54), Bắc Kạn (53), Bình Dương (52), Ninh Thuận (39), Tuyên Quang (35), Long An (32), Lai Châu (32), Cao Bằng (31), Lào Cai (27), Kon Tum (23), Điện Biên (21), Gia Lai (2).