*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Ông Putin ra quyết định về vấn đề công nhận độc lập cho 2 khu vực Lugansk và Donetsk ở Đông Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev cảnh báo giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ tăng nghiêm trọng khi Đức tuyên bố sẽ tạm dừng phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ban hành lệnh dừng quá trình phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Được thôi. Chào mừng đến với thế giới mới can đảm, nơi người châu Âu sẽ sớm trả 2.000 € cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên, ông Medvedev tweet.
Trước đó, ông Scholz đã thông báo rằng quá trình phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ bị tạm dừng để đáp lại các hành động của Moscow ở miền đông Ukraine.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Kiev ngày hôm nay (22/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận định rằng kịch bản "chiến tranh toàn diện" giữa đất nước của ông và Nga sẽ không xảy ra, theo RT.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết nếu "hành động quân sự nhằm vào Ukraine và xung đột leo thang", thì chính quyền của ông sẽ ban bố lệnh thiết quân luật.
"Chúng tôi tin rằng sẽ không có chiến tranh nhằm vào Ukraine, và phía Nga cũng sẽ không có động thái leo thang trên diện rộng", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Ukraine đã kêu gọi Moskva hỗ trợ giải quyết xung đột thông qua đối thoại dưới mọi hình thức, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải bảo vệ chủ quyền của mình.
Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng cho biết thêm rằng chính quyền Kiev đang xem xét cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga theo đề xuất của Bộ Ngoại giao Ukraine. "Bây giờ tôi sẽ xem xét vấn đề này, và cả những biện pháp hiệu quả để giải quyết những động thái gây leo thang căng thẳng từ phía Nga", ông nói.
Trên thế giới có rất ít dự án năng lượng gây tranh cãi như Nord Stream 2, và đến ngày 22/2, dự án đã "chìm xuồng" khi nhà lãnh đạo Đức tạm dừng quá trình phê duyệt.
Tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz là phản ứng cụ thể nhất từ phương Tây đối với hành động quân sự của Nga ở miền đông Ukraine. Nhưng nó đặt châu Âu vào một tình thế không dễ chịu- Nga chỉ cần tắt các vòi khí đốt cung cấp cho gần hết lục địa già và khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối và lạnh giá.
Theo CNN, cho dù Đức có chính thức loại bỏ Nord Stream 2 hay không, thì các hành động của Nga ở Ukraine khiến dự án này trở nên bất khả thi về mặt chính trị.
Đường ống đã vướng vào các vấn đề chính trị. Đường ống dài 1.230 km được cho là vận chuyển một lượng lớn khí đốt của Nga đến châu Âu qua Đức, và mặc dù được xây dựng trong hơn 5 tháng, nhưng chưa có một chuyến hàng nào đi qua nó.
Chính phủ liên minh mới của Đức phản đối sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào khí đốt tự nhiên, tạo ra phát thải khí nhà kính hơn ở EU so với than đá.
Trong khi Nord Stream 2 có thể đẩy 100 triệu tấn carbon dioxide vào bầu khí quyển mỗi năm, chưa kể đến việc rò rỉ khí mê-tan, một loại khí nhà kính có khả năng làm ấm hành tinh gấp 80 lần CO2 trong thời gian ngắn.
Giờ đây, châu Âu - đặc biệt là Đức - có cơ hội tận dụng thời điểm này để rời bỏ Nord Stream 2.
Trong ngắn hạn, châu Âu có thể nhận nguồn cung khí đốt từ các quốc gia khác - tuy không đủ để thay thế Nga, nhưng có lẽ đủ để vượt qua khó khăn tạm thời - và ứng phó với mối đe dọa trước mắt của Nga.
Nhưng vấn đề muôn thuở của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tiếp tục khuấy động và cuối cùng sẽ còn nguy hiểm và tốn kém hơn nhiều so với khả năng xảy ra đối đầu quân sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông tin rằng "sẽ không có chiến tranh" với Nga, nhưng cảnh báo Ukraine sẽ chuẩn bị sẵn sàng nếu Nga leo thang quân sự.
"Trên phương diện quân sự, chúng tôi hiểu rằng sẽ không có chiến tranh", Tổng thống Ukraine nói.
Phát biểu của ông Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Kyiv, ông Zelensky cho biết hành động của Nga là "cú đánh vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine, nhưng kêu gọi hai bên đối thoại.
"Chúng tôi kêu gọi Nga giải quyết những vấn đề này thông qua đối thoại", Tổng thống Ukraine nói. "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán tại bất kỳ diễn đàn nào và Nga biết điều này".
Thủ tướng Anh Johnson cho biết, Vương quốc Anh và các đồng minh sẽ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga, bao gồm 5 ngân hàng và 3 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao.
Bằng việc công nhận hai nền độc lập cho Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), Nga đang có kế hoạch tạo cơ cho hành động quân sự tiếp theo với Ukraine, Thủ tướng Johnson nói: “Vương quốc Anh phải chuẩn bị cho giai đoạn có thể tiếp theo trong kế hoạch của TT Putin".
"Những gì (TT Putin) đang làm sẽ là một thảm họa đối với Nga", Thủ tướng Anh dự đoán "tình trạng bài xích" đối với quốc gia này nếu tiếp tục có hành động với Ukraine.
“Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho đến thời điểm cuối cùng có thể", ông Johnson nói. "Nhưng chúng ta phải đối mặt với khả năng không có thông điệp nào của chúng ta được chú ý...".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ngăn chặn dự án đường ống Nord Stream 2 sau khi Nga có hành động gây tranh ở miền đông Ukraine.
Ông Scholz đã tuyên bố ngừng cấp giấy chứng nhận đường ống từ Nga trong cuộc gặp với Thủ tướng Ireland Micheal Martin tại Berlin ngày 22/2.
Đường ống này được cho làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga và là nguyên nhân chính dẫn đến bất đồng quan điểm giữa châu Âu và Mỹ.
"Trước những bước phát triển mới nhất, chúng tôi cần đánh giá lại tình hình đối với Nord Stream 2. Đó là bước hành chính cần thiết để ngừng chứng nhận đường ống", ông Scholz nói.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Alessandra Vellucci nói với các phóng viên tại Geneva: "Chúng tôi cam kết ở lại và tiếp tục phân phối hàng viện trợ ở Ukraine, đặc biệt là ở miền đông Ukraine .
Bà cũng thừa nhận rằng "do tình hình phát triển trên thực tế, LHQ đã cho phép tạm thời di dời một số cán bộ không thiết yếu và một số người phụ thuộc".
Liên hợp quốc có 1.510 nhân viên ở Ukraine, trong đó có 149 nhân viên quốc tế, Vellucci nói.
Bên cạnh đó, có khoảng 100 nhân viên làm việc tại các nước Cộng hòa tự xưng Luhansk và Donetsk.
Đã có những cảnh báo rằng quy mô xung đột có thể khiến hàng triệu người phải di tản và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Cơ quan tị nạn của LHQ ngày 22/2 cho biết, họ không thấy bất kỳ sự di chuyển nào gia tăng bên ngoài các khu vực phía đông nhưng "tình hình vẫn không thể đoán trước được".
Theo hãng tin Sputnik, Ukraine triệu hồi Đại biện lâm thời ở Nga về nước để thảo luận tình hình trước mắt.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh sắc lệnh công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưn và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng ở miền đông Ukraine.
Các đại sứ của 27 nước thành viên EU đã hội họp sáng nay tại Brussels để thảo luận về các bước tiếp theo liên quan đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga .
Tuy nhiên, theo The Guardian, đã có sự chia rẽ quan điểm trong cuộc họp này.
Cơ quan đối ngoại của EU (EEAS), đã đề xuất xử phạt: 27 cá nhân và thực thể liên quan đến quyết định của Điện Kremlin về việc công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Luhansk và Donetsk; 351 thành viên của Duma đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định và 11 thành viên đề xuất quyết định, cùng với các chỉ huy của sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân đội Nga.
Nhưng Hungary đã từ chối ủng hộ động thái này bởi nước này muốn tiếp tục con đường đối thoại.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang dự kiến một gói trừng phạt rộng hơn thời điểm Nga sáp nhập Crimea. Điều này được cho là sẽ tác động mạnh đến xuất nhập khẩu của Nga và các ngân hàng Nga.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này công nhận biên giới do hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk kiểm soát.
Vào ngày 22/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, nước Nga sẽ đảm bảo an ninh cho nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donest và Luhansk.
Cùng ngày, lãnh đạo Donest và Luhansk đã phê chuẩn hiệp ước hỗ trợ hợp tác hữu nghị với Nga. Dự kiến Quốc hội Nga cùng ngày sẽ xem xét nhóm họp để phê chuẩn các hiệp ước này.
Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm qua, trong lúc cổ phiếu tại Mỹ lao dốc sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai binh sĩ đến các vùng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao sau ở Anh có lúc tăng 4% lên 97,35 USD/thùng, con số cao nhất kể từ tháng 9-2014. Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán tương lai đều giảm, như S&P 500 giảm 2% và Nasdaq giảm 2,7%.
Được xem là một kênh trú ẩn an toàn, đồng yen của Nhật Bản tăng 0.2% lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua, với 1 USD đổi 114,50 yen.
Ở chiều ngược lại, đồng euro giảm 0,1% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần (1 euro đổi 1,1296 USD) và đồng rúp của Nga chạm đáy trong 1 tháng với tỉ giá 1 USD đổi 80,289 rúp.
"Trong những tình huống này, các thước đo rủi ro đang thúc đẩy thị trường" - ông Ray Attrill, chuyên gia tại Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB), nhận định.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo RIA Novosti, ngày 22/2 giờ địa phương, chuyến tàu đầu tiên chở những người tị nạn từ miền đông Ukraine đã đến Nizhny Novgorod, Nga. Có khoảng 1.000 người tị nạn, một nửa trong số đó là trẻ em.
Những người tị nạn đầu tiên đến Rostov Oblast của Nga, nơi tiếp giáp với miền đông Ukraine, và từ đó lên đường đến Nizhny Novgorod.
Thống đốc Vùng Nizhny Novgorod đã yêu cầu các bộ phận liên quan chăm sóc người tị nạn về mặt y tế, giáo dục và cuộc sống hàng ngày, đồng thời chia nhóm người tị nạn thành 6 nhóm và đưa họ vào các khu định cư tạm thời, trung tâm trẻ em, nhà dưỡng lão và các khu nghỉ dưỡng.
Vào ngày 21/2 (giờ địa phương), nhóm phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đến thăm khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine . Có nhiều dấu hiệu trên đường cho thấy mọi thứ đang chuyển động theo hướng căng thẳng hơn.
Đích đến của nhóm phóng viên CCTV là một cảng đất liền biên giới Nga - Ukraine, cách thành phố Rostov-on-Don khoảng 120 km. Trong điều kiện giao thông thuận lợi, thời gian ô tô di chuyển sẽ mất 1h30 phút.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do tình hình căng thẳng nên tốc độ thông quan bị chậm lại đáng kể, khu vực gần trạm kiểm soát thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Phóng viên CCTV bắt gặp đoàn xe vận chuyển vũ khí, trang bị của quân đội Nga đang tiến về phía biên giới Ukraine, nhưng không rõ điểm đến. Ngoài ra, trên đường di chuyển, phóng viên CCTV còn nhìn thấy 2-3 nhóm khí tài và một số ít binh sĩ Nga đang tập trung bên đường chờ lệnh.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Do tình hình căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine, một số hãng hàng không châu Âu đã quyết định tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Ukraine trong những ngày gần đây.
Lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Donetsk Denis Pushilin đã ký hiệp ước tổng động viên các thanh niên sinh năm 1995 - 2004 sau khi Nga quyết định công nhận độc lập cho Donbass.
"Tôi quyết định thực hiện tổng động viên đối với các công dân sinh trong khoảng 1995-2004, không nằm trong lực lượng dự bị và là đối tượng đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự theo luật của Donetsk ban hành ngày 13/2/2015... về nghĩa vụ quân sự và phục vụ quân đội", sắc lệnh nêu rõ.
Ông Denis Pushilin, Lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Donetsk. Ảnh: Reuters
Theo RT, 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk đã phê chuẩn hiệp định hữu nghị và hỗ trợ chung với Moscow, chính thức mở cửa đón nhận viện trợ quân sự và tài chính vào các khu vực này.
Động thái diễn ra sau khi ông Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập cho Donbass.
Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad cho hay, Damascus ủng hộ quyết định công nhận Lugansk và Donetsk của Moscow.
"Tổng thống Nga Putin đã đưa ra một tuyên bố mang tính dấu mốc trong lịch sử và các bạn biết rằng Syria hoàn toàn ủng hộ tuyên bố do ông Putin đưa ra", ông Mekdad phát biểu tại Valdai Discussion Club.
Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad
Theo Reuters , một nhân chứng đã nhìn thấy những hàng dài phương tiện quân sự bao gồm cả xe tăng vào sáng sớm ngày 22/2 ở ngoại ô Donetsk, thủ đô của một trong hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).
Reuters: Xe tăng Nga "rầm rập" tiến vào Donetsk, linh cảm xấu của Mỹ sắp thành sự thật?
Phóng viên Reuters đã nhìn thấy khoảng 5 chiếc xe tăng đi theo hàng ở rìa thành phố và 2 chiếc nữa ở một khu vực khác của thị trấn.
Không có phù hiệu nào được nhìn thấy, nhưng sự xuất hiện của các xe tăng diễn ra vài giờ sau khi ông Putin ký hiệp ước hữu nghị với 2 miền ly khai và ra lệnh cho quân đội Nga triển khai cái mà Moscow gọi là "hoạt động gìn giữ hòa bình".
Theo các phóng viên Reuters, vài ngày trước Donetsk không có bóng 1 chiếc xe tăng nào.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng thống Serbia Aleksandar VucicTổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết, 85% người dân Serbia sẽ luôn ủng hộ Nga bất kể chuyện gì xảy ra.
"Đó là lý do vì sao chúng tôi ở vị trí rất khó: Serbia đã dấn thân vào con đường châu Âu, Serbia luôn ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, nhưng mặt khác, có đến 85% người dân sẽ luôn đứng về phía Nga bất kể chuyện gì xảy ra. Đó là những thực tế mà tôi phải đối mặt ở cương vị tổng thống", TASS dẫn phỏng vấn của ông Vucic với 1 kênh truyền hình cho hay.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters
Việc công nhận Donetsk và Lugansk không hề diễn ra "đột ngột" mà là quyết định nhằm "bảo vệ" người dân ở khu vực này, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh trong phiên họp khẩn.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: TASS
"Nên nhớ là DPR và LPR đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine từ 2014. Nhưng mãi tới bây giờ chúng tôi mới công nhận họ, mặc dù ngay từ đầu mức độ ủng hộ đã rất cao ở cả DPR, LPR lẫn trong xã hội Nga", ông Nebenzia nói.
Ông Nebenzia cho rằng, vào thời điểm đó Ukraine "đã dùng thứ ngôn ngữ súng ống, đạn pháo và hăm dọa để nói chuyện với người dân của chính mình ở miền Đông".
Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và tránh những hành động làm gia tăng căng thẳng tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích mọi nỗ lực ủng hộ, kêu gọi tất cả các bên có liên quan tham gia đối thoại, tham vấn, đồng thời tìm kiếm các giải pháp hợp lý để giải quyết các mối lo ngại của nhau trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau", ông Zhang Jun nói trong 1 tuyên bố ngắn gọn của Trung Quốc.
"Tình hình hiện tại ở Ukraine là kết quả của nhiều nhân tố phức tạp."
Đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine đã lên tiếng cảnh báo công dân và doanh nghiệp Trung Quốc tại đó tránh các khu vực "bất ổn", đồng thời tích trữ nhu yếu phẩm thường nhật như thực phẩm và nước uống.
"Hiện tại tình hình ở Đông Ukraine đang có những thay đổi lớn", Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đăng tải trên website, khuyến cáo công dân nước này "cẩn trọng" nhưng không đề nghị họ rời khỏi đó.
Trong phiên họp khẩn của Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine sau quyết định công nhận Donbass của Nga, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho rằng động thái của Moscow là "nỗ lực nhằm tạo tiền để cho một cuộc xâm lược sâu hơn vào Ukraine".
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield
Trước đó, ông Putin khẳng định, lực lượng quân đội Nga sẽ được điều động tới 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk là lực lượng gìn giữ hòa bình, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở Donbass.
Trong tweet mới đăng tải sáng 22/2, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng việc Nga hành động tiếp theo ra sao còn phụ thuộc vào phản ứng của thế giới. Tuyên bố được đưa ra trước khi ông tiến hành cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
Theo ông Kuleba, hiện giờ các nước đều không ngủ cho dù thuộc múi giờ nào.
"Quy mô và lộ trình cấm vận đang được hoàn tất. Ukraine khẳng định: Các hành động kế tiếp của Nga tùy thuộc vào phản ứng của thế giới. Nga phải biết rằng thế giới đã nói là làm về vấn đề cấm vận", ông Kuleba tweet.
Nhà báo Martha Raddatz của ABC News dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho hay, chính quyền Mỹ đã hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Lviv ở miền Trung nước này để đảm bảo an toàn.
Mỹ đã tiến hành chuyển toàn bộ các nhân viên ngoại giao và đại sứ quán từ Ukraine sang Ba Lan ngay sau khi Nga công nhận 2 khu vực ở Donbass.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết, động thái này được đưa ra với lý do an ninh.
Đại sứ quán Mỹ ở Kiev. Ảnh: Ethan Swope/Bloomberg
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm người Mỹ tham gia vào các hoạt động kinh tế ở Donetsk và Lugansk, 2 nước cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine vừa được Nga công nhận ngày 21/2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp, cấm người Mỹ tham gia vào các hoạt động kinh tế ở Donetsk và Lugansk. Ảnh: Reuters
Theo điều 1 của sắc lệnh này, Mỹ cấm "đầu tư mới" vào khu vực, cấm "nhập khẩu bất kể loại hàng hóa, dịch vụ hay công nghệ nào vào Mỹ, dù trực tiếp hay gián tiếp" từ khu vực và cấm người Mỹ "chấp thuận, đầu tư, tạo điều kiện" cho các hoạt động thương mại liên quan.
Những ai vi phạm điều khoản nêu trên đều sẽ bị trừng phạt kinh tế theo sắc lệnh. Họ sẽ bị "chặn và không thể chuyển khoản, chi trả, xuất khẩu, rút tiền hay mua bán". Ngoài ra, những người vi phạm cũng sẽ bị cấm nhập cư hoặc nhập cảnh vào Mỹ.
Thỏa thuận chung giữa Nga và 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass về các Hiệp ước Hữu nghị An ninh và Quốc phòng bao gồm:
- Phòng vệ chung trước các động thái gây hấn
- Phòng vệ chung về biên giới
- Quyền xây dựng, sử dụng và cải thiện hạ tầng quân sự, cũng như các căn cứ.
Được biết, các hiệp ước này sẽ kéo dài trong 10 năm.
Để theo dõi cập nhật chi tiết về phản ứng của phương Tây trước quyết định công nhận Donbass của Nga, mời quý độc giả click vào link dưới:
Quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với CNN cho biết khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Putin là không chắc chắn.
Nguồn tin của CNN nói rằng có tin tình báo và nhiều dấu hiệu ở thực địa cho thấy Nga có thể sẽ tiến hành động thái quân sự ở Ukraine.
Trước đó Thư ký Nhà Trắng Jens Psaki khẳng định ông Biden đã nhất trí "về nguyên tắc" cho cuộc gặp với ông Putin sau khi ngoại trưởng 2 nước gặp gỡ.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Ukraine đã đề nghị Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc họp khẩn sau quyết định công nhận khu vực Donbass độc lập của Nga.
"Chúng tôi đã gửi yêu cầu cho Hội đồng", ông Kuleba nhấn mạnh trong bài đăng mới trên Twitter.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lệnh cho quân đội Nga "đảm bảo hòa bình" ở 2 nước cộng hòa tự xưng vừa được Nga công nhận Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR), vốn thuộc Đông Ukraine.
Theo RT, ông Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbas, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với DPR và LPR.
Khu vực Donbass hứng chịu nhiều thiệt hại do các cuộc giao tranh. Ảnh: Atlantic Council
Moscow đã chính thức công nhận độc lập của 2 khu vực này hôm 21/2 sau khi ông Putin chủ trì phiên họp bất thường, tham vấn các quan chức cấp cao của Nga.
Quyết định được Điện Kremlin chính thức đưa ra ngay sau khi ông Putin có bài phát biểu trước toàn thể dân Nga.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: Moscow công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine. Lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giao tranh tiếp tục leo thang ở khu vực này, RT đưa tin.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin cho biết ông đã ký sắc lệnh công nhận và cam kết hợp tác với 2 khu vực nói trên.
"Tôi thấy cần phải đi đến 1 quyết định đáng lý phải được đưa ra từ rất lâu. Đó là lập tức công nhận Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR)", ông Putin tuyên bố.
Theo nhà lãnh đạo Nga, đây là hệ quả trực tiếp từ sự thất bại của thỏa thuận Minsk 2014, vốn là tiến trình nhằm chấm dứt giao tranh.
"Họ không quan tâm tới các giải pháp hòa bình - họ muốn tiến hành các động thái quân sự", ông Putin nói, "Mỗi ngày họ lại tập trung thêm quân tới Donbass".
Hình ảnh minh họa: Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tới hỗ trợ an ninh cho Kazakhstan. Nguồn: RT
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Dự định ký sắc lệnh về Donbass đã được Tổng thống Nga chia sẻ trong cuộc điện đàm với các lãnh đạo Pháp và Đức sau phiên họp bất thường mới đây.
Sự an toàn của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow bị đe dọa nghiêm trọng bởi các hạn chế mà chính quyền Nga áp đặt đối với các nhà ngoại giao Mỹ, RT dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan cho hay.
Trao đổi với Politico, ông Sullivan nói rằng phái đoàn ngoại giao của Mỹ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng do thiếu nhân lực.
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Ảnh: RT
"Nếu chính phủ Nga tiếp tục có các quyết định trục xuất thì sẽ rất khó [cho Đại sứ quán Mỹ] tiếp tục hoạt động an toàn như một đại sứ quán", ông Sullivan nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiến hành cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine sau phiên họp bất thường của Nga do Tổng thống Putin chủ trì.
Trong phiên họp ngày 21/2, ông Putin đã yêu cầu các quan chức cấp cao của Nga có mặt tại buổi họp nêu quan điểm về vấn đề công nhận độc lập cho 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine.
Theo RIA Novosti, các quan chức đều ủng hộ công nhận độc lập cho 2 khu vực này và cho rằng đây là việc cần làm ngay.
Mời quý độc giả bấm vào link dưới để đọc thêm thông tin về phiên họp bất thường của Nga: