Biểu tình phản đối tăng thuế khiến Thủ tướng Jordan mất chức

Bình Minh |

Thủ tướng Jordan, ông Hani Mulki, tuyên bố từ chức ngày 4/6 sau nhiều ngày biểu tình rầm rộ ở thủ đô Amman của nước này. Đây là đợt biểu tình lớn nhất ở Jordan trong vòng hơn 5 năm qua, nhằm phản đối việc tăng thuế và tăng giá hàng hóa thiết yếu.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng quyết định từ chức được ông Mulki đưa ra sau một cuộc gặp với nhà vua Abdullah II, người kêu gọi "đối thoại dân tộc" trong bối cảnh biểu tình dâng cao.

Việc Chính phủ Jordan tăng thuế và tăng giá nhiều hàng hóa thiết yếu là một phần trong chương trình thắt lưng buộc bụng mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu nước này phải thực hiện để giảm nợ. Cải cách kinh tế là điều kiện mà IMF đưa ra khi định chế này cấp hạn ngạch tín dụng 723 triệu USD thời hạn 3 năm.

Hơn 3.000 người biểu tình đã tập trung bên ngoài văn phòng Thủ tướng Mulki vào hôm Chủ nhật, hô vang những khẩu hiệu như "những người tăng giá muốn thiêu cháy đất nước này" và "đây là Jordan của chúng tôi, ông Mulki nên từ chức".

Với sự ra đi của ông Mulki, Jordan chuẩn bị có Thủ tướng thứ 8 trong vòng 10 năm trở lại đây.

Theo IMF, quốc gia Trung Đông với gần 10 triệu dân này có mức nợ tương đương 94% tổng sản phẩm trong nước (GDP). IMF muốn Jordan đến năm 2021 cắt giảm tỷ lệ nợ/GDP xuống còn 77% thông qua những biện pháp cải cách "giúp thúc đẩy tăng trưởng" và dần đạt tới một nền tảng tài khóa vững vàng hơn.

Tuy nhiên, những tác động mạnh của cải cách đã trở nên quá sức chịu đựng của nhiều người dân thường Jordan - những người đã chứng kiến giá xăng tăng nhiều lần và giá điện tăng 55% từ đầu năm đến nay.

Một dự luật về thuế thu nhập, trong đó thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng thêm ít nhất 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 20-40%, hiện đang chờ được Quốc hội Jordan thông qua.

Nằm ở một khu vực có nhiều cuộc xung đột địa chính trị và phải đón một lượng người tị nạn khổng lồ từ Syria, Iraq và Palestine, Jordan có tỷ lệ nghèo lên tới 30% và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ khoảng 40%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các biện pháp cải cách là cần thiết đối với Jordan.

"Cải cách chắc chắn là cần. Thâm hụt cán cân vãng lai của Jordan rất lớn, tương đương hơn 10% GDP, nợ chính phủ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2007… Jordan không thể tiếp tục như thế này mãi được", ông Marcus Chenevix, nhà phân tích về Trung Đông và Bắc Phi thuộc TS Lombard, nhận định.

Chưa kể, "về cơ bản, nền kinh tế Jordan đã giảm tốc trong suốt một thập kỷ", ông Chenevix nhấn mạnh thêm.

Jordan vốn được xem là ví dụ hiếm hoi về sự ổn định tại một khu vực bất ổn như Trung Đông. Bởi vậy, làn sóng biểu tình gần đây có thể báo hiệu cho một giai đoạn mới, nhiều thách thức đối với nước này.

Sự bất ổn mới này ở Jordan không chỉ liên quan đến chương trình cho vay của IMF - theo giáo sư Dina Rezk về chính trị Trung Đông thuộc Đại học Reading.

"Vấn đề không chỉ nằm ở thuế", bà Rezk nhận định. "Các cuộc biểu gần đây là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn ở Jordan: nước này là một quốc gia nhỏ, với dân số chủ yếu là người tị nạn Palestin phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản trợ cấp".

Khoảng 70% dân số Jordan hiện nay là người gốc Palestine, trong đó có khoảng 2 triệu người sống trong các trại tị nạn trên khắp nước này, dù phần lớn đã hòa nhập sâu và xã hội Jordan.

Dù là một đồng minh an ninh quan trọng của phương Tây, một điểm sáng ổn định trong khu vực, và một quốc gia nhận nhiều viện trợ nhất từ Mỹ, Jordan "đặc biệt dễ tổn thương trước bất ổn ở Palestine và các sáng kiến thắt lưng buộc bụng toàn cầu", giáo sư Rezk nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại